Chia sẻ:

Những ngày lễ tâm linh đặc biệt trong năm của người Việt Nam

Ngày 01 tháng 01: Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán, còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường vào khoảng cuối tháng 1đến giữa tháng 2 Dương lịch. Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, thờ cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân, mừng tuổi, hái lộc,…

Tết nguyên đán

Gia đình xum họp trong ngày Tết Nguyên Đán.

 

Ngày 15 tháng 01: Tết Nguyên Tiêu

Ngày Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, theo tục xưa gọi là: Tết Nguyên Tiêu. Là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á. Có nơi thậm chí còn quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Trong ngày lễ này, mỗi gia đình người Việt có thể cúng cơm chay, hương đèn, hoa quả hoặc mâm lễ mặn, xôi gà, cơm canh thành kính dâng lên tổ tiên, và đi lễ Chùa, lễ Phật để cầu mong cho sự bình yên, khoẻ mạnh quanh năm.

tết nguyên tiêu

Mâm cỗ cúng ngày tết Nguyên Tiêu

 

Ngày 3 tháng 3: Tết Hàn Thực

Theo nghĩa chữ Hán “Hàn” là lạnh, “thực “ là ăn; “ Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời về hiền sỹ Giới Tử Thôi. Do giao lưu văn hoá lâu đời với Trung Hoa nên người Việt ảnh hưởng tết Hàn thực. Nhưng ở nước ta tết Hàn thực không phải để tưởng nhớ đến Tử Thôi mà mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Vào ngày tết, các gia đình làm bánh trôi bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Cũng trong dịp này nhiều nơi làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Ngày nay, cứ mỗi dịp tết Hàn thực về, người dân mọi vùng quê đều làm bánh trôi, bánh chay. Còn ở thị thành, ngày xuân đi du ngoạn, khách cũng được hưởng hương vị bánh trôi, bánh chay từ các quán hàng.

tết hàn thực

Bánh trôi cúng ông, bà, tổ tiên trong ngày Tết Hàn Thực.

 

Ngày 10 tháng 3: Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.

giỗ tổ hùng vương

Nghi lễ trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

 

Ngày 4;5 tháng 4: Tết Thanh Minh

Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 4 hay 5 tháng 4 khi hết tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết cốc vũ bắt đầu.

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước. Tết Thanh Minh gắn liền với đạo đức, bổn phận người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước.

 

Ngày 15 tháng 4: Lễ Phật Đản

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là một thái tử tên Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, Vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày Rằm tháng tư năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8/4 (theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi  nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết những nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, lễ Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt… Ngày đó, tất cả mọi người đều ăn chay, người bán hàng ở chợ cũng chỉ bán đồ chay. Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài… Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, vốn là đạo lý nhà Phật.

lễ phật đản

Đại lễ Phật Đản diễn ra vào ngày rằm tháng tư hàng năm.

 

Ngày 05 tháng 5: Tết Đoan Ngọ

Theo sách Phong Thổ ký thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết mồng 5 tháng Năm, còn được ta gọi là Tết Giết sâu bọ, vì trong ngày hôm ấy ta có tục giết sâu bọ. Theo quan niệm của ta xưa, trong người, nhất là trong bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Sâu bọ này nếu không bị trừ đi sẽ sinh sản ngày càng nhiều và gây tại hại cho người. Điều đặc biệt là giết sâu bọ chính bằng những thức ăn, nhất là bằng rượu nếp và hoa quả.

tết đoan ngọ

Giết sâu bọ bằng đồ ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ

 

Ngày 15 tháng 7: Tết Vu Lan

Vu lan còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế, và là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Tại Việt Nam, vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè, đến chùa cầu mong cha mẹ sức khỏe và niềm vui, ăn chay để tích đức, dành tặng cha mẹ những lời chúc và món quà ý nghĩa…

tết vu lan

Tết Vu Lan tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng

 

Ngày 15 tháng 8: Tết Trung Thu

Phong tục của người Việt, ngày Tết Trung thu được tổ chức vào rằm tháng tám, đây là dịp các gia đình làm cỗ cúng gia tiên, bày bán trái cây cúng mặt trăng. Trẻ em thưởng thức bánh, kẹo trong đêm Trung thu được gọi là “phá cỗ”. Ngày nay, Tết Trung Thu đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

tết trung thu

Trẻ em rước đèn ông sao trong Tết Trung Thu

 

Ngày 23 tháng 12: Ông Táo chầu trời

Táo Quân hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam  được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà gồm ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là “Tết ông Công”, lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.

Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng Đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do Văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

cúng ông công ông táo

Mẫm cỗ ngày cúng Ông Công – Ông Táo

Trigger Sidebar Cart0
×
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng. Go to Shop