GiadinhNet – Tảo mộ là việc báo hiếu của người sống đối với người đã mất, nhưng hiện nay vì nhiều lý do, một số gia đình lại thuê người tảo mộ thay vì tự mình đi làm. Việc này có còn là việc hiếu khi phải thuê người?
Thuê người tảo mộ tổ tiên
Vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người Việt có tục tảo mộ. Trong những ngày này, ông bà, cha mẹ thường dẫn con cháu đi dẫy mả, quét dọn sửa sang lại các ngôi mộ của tổ tiên cho khang trang sạch sẽ và qua đó giới thiệu cho con cháu biết đây là mồ mả của người có vai vế thế nào trong họ.
Tảo mộ vốn được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, biểu hiện sự hiếu thuận của con cháu đối với tổ tiên, các bậc sinh thành. Người Việt tin rằng, khi năm mới đến, tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tuy nhiên, khi cuộc sống hiện đại với quá nhiều lo toan, một số người bận rộn đến mức không có thời gian thực hiện công việc này mà đã thuê người khác tảo mộ cho tổ tiên mình.
Tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên những ngày cuối năm, hoạt động thăm viếng, sơn sửa, xây mới mộ phần rất nhộn nhịp.Theo nhân viên của công viên nghĩa trang, nhiều năm trở lại đây, dịch vụ thắp hương thuê, tảo mộ thuê đã trở nên phổ biến. Không chỉ tảo mộ dịp Tết mà có cả dịch vụ trọn gói thắp hương cả năm.
Anh Cường, một người trong đội lo hậu sự, xây mồ mả ở đây ngoài việc “xây mới” vẫn cùng đồng nghiệp tảo mộ thuê. Khách hàng của anh thường là người định cư ở nước ngoài hoặc đi công tác xa, hay công việc quá bận rộn không thể tới đây trong những ngày cuối năm. Họ nhờ các anh dọn dẹp, cúng lễ mời người thân về nhà ăn Tết. Trong nhóm, mỗi người làm một công việc khác nhau. Người làm nhiệm vụ nhổ cỏ, người vun đất, dọn sạch những vết bẩn… Tùy vào hoàn cảnh từng chủ mộ, có khi họ thuê luôn việc cắm hoa, làm cơm thắp hương tổ tiên.
Ngay các vùng quê, xu hướng thuê tảo mộ cũng không còn xa lạ. Gia đình ông Nguyễn Văn Vịnh (ở Nam Định) có vài chục đầu đinh, song đành phải thuê người đi tảo mộ. “Con cháu đông đúc là thế nhưng không mấy ai có điều kiện về quê tảo mộ. Đa phần là đi làm ăn ở miền Nam đến sát Tết mới về, có khi tận 28 – 29 Tết. Chưa kể nhiều người đi xuất khẩu lao động không thể về được. Chỉ còn vài người lớn tuổi ở nhà như tôi không làm với những ngôi mộ xây cất cầu kỳ, sơn sửa đòi hỏi tỉ mỷ được nên đành thuê người trong làng tảo mộ. Nghĩ tới điều này cũng hơi buồn nhưng phải chịu, đành có lỗi với các cụ vậy”, ông Vịnh phân trần.
Được biết, giá tảo mộ thuê cũng tùy theo yêu cầu của khách hàng. Nếu chỉ làm cỏ, thắp hương và khấn thì có giá khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngôi mộ. Còn muốn làm cỏ, khấn, quét sơn lại và trang trí thêm hoa thì giá có thể lên tới tiền triệu tùy kích thước mộ phần.
Người âm chỉ cần cái tâm
Mặc dù tảo mộ thuê đang “thịnh” nhưng có không ít người cho rằng không tự tay mình làm mà thuê người tảo mộ là “bất hiếu”, sẽ mai một giá trị đạo hiếu của người Việt từ xa xưa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu cho rằng: “Chúng ta cần phải nhìn vào bản chất của vấn đề chứ không nên nhìn ở cách gọi vấn đề. Tảo mộ thuê nghe có vẻ nặng nề, đúng ra là dịch vụ giúp người thân chăm sóc phần mộ và mời người quá cố về nhà ăn Tết. Nhiều gia đình, con cái có điều kiện kinh tế nhưng để mộ phần cha mẹ ở nghĩa trang không được chăm sóc hay lúc bố mẹ sống không chăm lo cho bố mẹ lúc họ khuất núi lại tổ chức cúng giỗ đình đám. Như vậy có phải là có hiếu? Mọi thứ đều cần xuất phát từ tâm”.
Thời hiện đại, có rất nhiều người ở xa dù rất có tâm không thể về chăm sóc, thắp hương cho người thân của mình như công tác ở nước ngoài … Khi không có sự lựa chọn, họ đành nhờ người giúp mình chăm sóc mộ người thân tinh tươm, hương khói ấm cúng. Tâm họ luôn nhớ đến người thân, luôn mong phần mộ của người thân mình được chăm sóc, hương khói tốt lại không có điều kiện về mà có người làm thay là rất tốt. Không phải ai cũng có điều kiện tháng nào cũng lên chăm sóc, nhờ đó mà phần mộ lúc nào cũng được sạch sẽ. Bản thân người thuê khi làm được điều đó sẽ cảm thấy an tâm hơn.
“Dịch vụ này chỉ không tốt khi những người con, người cháu quá lạm dụng vào dịch vụ này. Họ cứ nghĩ rằng bỏ tiền ra để rồi coi đó hết trách nhiệm, yên tâm mình đã “báo hiếu” mà vài năm không đến, không đoái hoài gì tới mộ phần, hương khói cho bố mẹ, người thân”, ông Tuấn Anh cho hay.
Theo nhà xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình, dịch vụ này cũng là một hiện thực tất yếu của xã hội, khi con người được phục vụ đến tận “chân răng”. Chúng ta đang dịch vụ hóa tuyệt đối hầu hết mọi việc. Nó thể hiện mong muốn của con người là được chia sẻ, được quan tâm với người đã mất. Nhưng ở khía cạnh nào đó, việc thuê người khác tảo mộ chỉ đáp ứng được về mặt vật chất mà không thỏa mãn được về mặt tinh thần. Việc thờ phụng ông bà tổ tiên với người Việt là thể hiện tinh thần biết ơn đối với những người đã khuất, tảo mộ cũng là hoạt động thể hiện tình cảm đó. Người quá cố đâu cần mâm cao, cỗ đầy, đốt nhiều vàng, mã. Con cháu một lòng tưởng nhớ, mời người quá cố về nhà đón Tết sum họp với sự thành kính là sự báo hiếu lớn nhất với người đã khuất.
Lưu ý khi tảo mộ
Nhiều gia đình khi quét dọn, trang trí thêm hoa tươi cho mộ thường chỉ chú ý đến mặt trước mà quên đi mặt sau, đúng ra là phải cải tạo và dọn dẹp cả phía sau. Khi tảo mộ nên sửa sang lại bốn phía xung quanh mộ. Trong lúc cải tạo thì cần thành tâm, cung kính. Bên cạnh đó, lưu ý không dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Theo quan niệm xưa, tảo mộ dịp cuối năm không đơn thuần là dọn dẹp sạch cỏ, lau chùi mồ mả mà còn là dịp mời ông bà, tổ tiên về nhà đón Tết cùng gia đình.
Theo giadinh.net.vn