Chia sẻ:

Ý Nghĩa Mùa Xuân Trong Phật Giáo theo Đại đức Thích Trí Thịnh

Đại đức Thích Trí Thịnh: Ý Nghĩa Mùa Xuân Trong Phật Giáo

Theo từng nhịp bước, tiết xuân khơi dậy sức sống cho mọi loài để rồi vạn vật đứng hẳn lên phô bày toàn diện vẻ đẹp huy hoàng và sức sống sung mãn của mình. Nơi nơi đều đón xuân, hưởng xuân và ao ước mùa xuân cứ tồn tại mãi mãi. Vui xuân, hưởng xuân là đón nhận và thưởng thức những vẻ đẹp tươi mát trong lành của thiên nhiên mà Tạo-Hóa trao tặng. Trong Phật Giáo, mùa xuân cũng có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất sắp tới, Đại Đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng đã có đôi lời chia sẻ để giúp Quý Độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa của mùa Xuân trong Phật Giáo.

Mùa Xuân là dịp để con cháu xum vầy bên ông bà cha mẹ

“ Xuân về vọng ánh bình minh
Nhìn lên đức Phật mênh mông nụ cười
Mai vàng nở khắp muôn nhà
An khang thịnh vượng lục hòa chân như”.

Đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta thì mùa xuân có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ xưa cho đến nay đã có rất nhiều những tác giả với những áng văn chương, thơ ca bất hủ, ca ngợi về vẻ đẹp và ý nghĩa của mùa xuân. Có thể nói mùa xuân là bản tình ca hòa điệu giữa thiên nhiên và đất trời, là thời điểm thích hợp nhất để người Việt trở về với cội nguồn dân tộc qua những lễ hội cổ truyền. Mùa xuân là mùa của sự đoàn viên, sum vầy ấm no hạnh phúc.

Trong Phật giáo, khi giây phút giao thừa vừa tới thì cũng là lúc mà hàng Phật tử lại hân hoan kỷ niệm ngày vía Đức Phật Di Lặc. Vì thế mà ngày xuân đến chùa lễ Phật không chỉ cầu an, cầu phúc lộc, mà còn nguyện noi theo những hạnh nguyện của Ngài để một ngày kia cũng được giác ngộ, xa lìa phiền não.
Hình ảnh tượng Phật Di Lặc trong các ngôi chùa chúng ta thờ ngày nay đều làm theo ảnh của một vị Sư mập mạp, bụng phệ, có vẻ mặt tươi cười, mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên nghịch phá trên thân mình. Sáu đứa trẻ này còn gọi là “lục tặc” tượng trưng cho sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nhưng cũng có tượng chỗ chỉ có 5 đứa trẻ, đó là ngũ căn, còn ý thức thì họ quan niệm là cái không nhìn thấy được nên ẩn đi. Mặc dù bị quấy nhiễu như thế nhưng Ngài vẫn cười rất tươi, an nhiên bất động, vì Ngài đã điều phục được sáu căn ấy, chuyển thành lục thông, thấu suốt vô ngại.

Thật đúng là:

“ Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Bao bụi trần bám đã rồi rơi
Mặc cho thế sự đầy vơi
An nhiên nở một nụ cười thảnh thơi”.

Ý nghĩa tên của Phật Di Lặc được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán là Từ Thị. Từ là một trong Tứ vô lượng tâm của Phật giáo (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Từ có nghĩa là tình thương bao la. Do đó mà ngày lễ vía Phật Di Lặc vào đầu năm có ý khuyên nhắc những người con Phật chúng ta phải noi theo hạnh của ngài, thực hiện Từ Bi Hỷ Xả trong cuộc sống hiện tại. Có như vậy mọi nghiệp chướng sẽ hóa giải, phiền não chuyển thành Bồ Đề, tâm được an lạc, tràn đầy hạnh phúc.

Năm cũ sắp qua bước sang năm mới, ngày vía Đức Phật Di Lặc tới gần và cũng là ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, một mùa Xuân nữa lại trở về. Nguyện xin cầu chúc thế giới hòa bình, quốc gia ngày càng hưng thịnh, kính chúc quý chư tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử, thiện nam tín nữ thập phương:

Đón Tết đến trăm điều như ý
Mừng Xuân sang vạn sự cát tường.

 

Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng

Đại Đức: Thích Trí Thịnh

Trigger Sidebar Cart0
×
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng. Go to Shop