Tết Thanh minh khác tiết Thanh minh
Theo ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA, tiết Thanh minh thực chất là một trong 24 tiết khí hàng năm.
Tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4, hoặc 5 tháng 4 dương lịch kéo dài tới 20, hoặc 21 tháng 4 dương lịch.
Thanh Minh là âm Hán, dịch nghĩa thì Thanh là trong, Minh là sáng. Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ. Tiết Thanh Minh kéo dài khoảng 15-16 ngày.
Và người xưa chọn ngày đầu của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh minh. Năm 2017 này, ngày đầu tiên của tiết Thanh minh được coi là Tết Thanh minh, rơi vào ngày mùng 4/4 dương lịch, là ngày thường chứ không phải vào thứ bảy, chủ nhật.
Bắt đầu từ Tết Thanh minh mọi người có thể tổ chức cho gia đình, dòng họ làm lễ tảo mộ du xuân, kết hợp giữa việc cúng lễ tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên.
Thời tiết từ Tết Thanh minh thường quang đãng, sáng sủa bởi lúc này gió Đông nam mạnh dần lên, mưa phùn và nồm ẩm gần như chấm dứt do nhiệt độ tăng, độ ẩm giảm, và mưa rào đến thường vào gần tiết Cốc vũ.
Việc cần làm trong tiết Thanh minh
Theo các nhà tâm linh, Tết Thanh minh vừa là ngày lễ, vừa là ngày mặt trời ở vị trí hoàng đạo, may mắn. Dịp Thanh minh người dân đi tảo mộ, tu chỉnh lại mộ phần tổ tiên với đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn. Với nhiều người dân quan niệm, mộ nơi âm phần có yên thì gia tiên mới phù hộ cho con cháu được phúc lộc.
Công việc chính trong tiết Thanh minh là tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng như tránh không để cho các loài rắn, chuột đào hang, làm tổ – theo suy nghĩ của người xưa là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Sau đó sẽ thắp vài nén hương, hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Tết Thanh minh năm nay không vào chủ nhật, nhưng năm nào dịp này khu nghĩa địa cũng nhộn nhịp, đông người. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Dù phải tay xách, nách mang phẩm vật cúng tế thì con cháu cũng nên tự mang, chứ không được thuê người giúp để thể hiện sự thực tâm với tiên tổ.
Trong gia tộc phân công rõ các cụ phụ lão đi trước mang vàng hương, thanh niên đi sau đội mâm lễ. Thứ tự người già, trước rồi trưởng nam, trưởng nữ, con cháu ruột nội ngoại, sau cùng mới đến dâu rể.
Tới nơi mộ phần, các cụ già và người lớn thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên (cũng như là “bàn giao” cho con cháu biết vị trí mồ mả của gia tiên”, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Sau khi dâng hương tổ tiên, mọi người sẽ đi dâng hương một vòng những ngôi mộ vô chủ, mộ không có người tới thăm, thể hiện tâm đức của người đang sống với người đã khuất.
Tuy không phải là tết lớn, nhưng Tết Thanh minh quan trọng bởi nó gắn liền với đạo đức, bổn phận của con cháu với công lao của tổ phụ, là dịp con cháu chăm chút phần mộ tổ tiên, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.