Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của giới Phật tử chúng ta. Nói đến hiếu đạo là nói đến đạo sống của con người. Dù là tôn giáo nào, ai ai cũng phải lấy hiếu đạo làm gốc.
Ngày rằm hôm nay là ngày mọi người con Phật dâng hết lòng thành của mình lên đấng sanh thành ông bà, cha mẹ v.v… là những người đã tạo ra chúng ta. Cha mẹ đã dày công sanh thành, nuôi dưỡng, gầy dựng cho chúng ta một cuộc đời, một sự sống. Tâm trạng lo lắng ấy không biết đến đâu là cùng. Cho nên người xưa nói: “Giọt nước luôn luôn chảy xuống, chứ không bao giờ chảy ngược lên”. Cha mẹ trăm tuổi, con tám mươi tuổi hoặc hơn tám mươi tuổi, cha mẹ cũng vẫn còn lo lắng cho con. Nghĩa là không bao giờ cha mẹ bỏ quên chúng ta, mà muốn cho chúng ta trưởng thành, ấm no sung túc. Thấy con người học giỏi thì cũng muốn con mình học giỏi, thấy con người làm công việc phát đạt thì cũng muốn con mình được như vậy. Muốn con luôn luôn là người tốt, người hiếu đạo. Đó là những nguyện ước của cha mẹ.
Vì vậy, để tỏ lòng hiếu để với các bậc sanh thành, chúng ta phải làm như thế nào?
Trường hợp cha mẹ đã quá vãng, chúng ta nên tu tạo các công đức lành hồi hướng về cho cha mẹ. Nếu cha mẹ vì nghiệp dữ phải đọa vào ác đạo, chúng ta thành tâm thiết lễ trai nghi cúng dường Tam Bảo và tha thiết phúng tụng kinh kệ, để chuyển hóa nghiệp dữ cho cha mẹ qua lời Phật dạy. Trong kinh Địa Tạng, Bồ tát Địa Tạng đã phát thệ nguyện: nếu còn một chúng sanh khổ thì ngài nguyện không thành Phật. Còn một chúng sanh ở trong địa ngục thì ngài còn ở đó để mà cứu vớt. Chỉ khi tất cả chúng sanh hết khổ, ngài mới chịu lên ngôi chánh giác. Với lời nguyện to lớn ấy, ngài là vị đại Bồ tát, thường thị hiện trong cuộc đời, ở những chốn khổ đau để cứu vớt chúng sanh. Trong đó có cha mẹ nhiều đời của chúng ta.
Đức Phật thường dặn dò các vị đại Bồ tát phải luôn giúp đỡ chúng sanh khi chúng gặp hoạn nạn hay bị đày đọa trong những chốn khổ đau như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… Phật dạy Bồ tát Địa Tạng: “Nếu có người nam, người nữ nào trồng chút ít căn lành trong Phật pháp, ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó tu tập lần lần được đạo vô thượng, chớ để họ thoái thất. Nếu có kẻ mới tu chút ít căn lành mà phải đọa lạc trong các đường khổ, ông khiến những người ấy nhớ niệm danh hiệu của Phật và dùng thần lực khiến họ không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh”.
Sở dĩ có địa ngục, có những chốn khổ đau là do chúng sanh tạo nghiệp không tốt mà chiêu cảm nên. Nghiệp không tốt ấy từ nơi thân, miệng, ý mà sanh ra. Từ đó chúng ta bị các thứ tham lam, sân hận, si mê điên đảo kéo lôi. Tóm lại, cảnh khổ ở địa ngục là do chúng ta tạo chứ không phải ai bày ra, áp đặt đưa chúng ta đến. Điều này chúng ta nghiệm lấy cũng có thể biết.
Ví dụ như có người chọc giận mình, mình giận người đó tức là tâm không yên, địa ngục hiện tiền trong lòng của chúng ta rồi. Địa ngục hiện ra thì thân bức xúc, miệng dùng lời chửi mắng, tiếp theo là những ý niệm xấu xa hay những hành động hại người. Khi nghĩ, làm những việc ấy, thì tâm mất sự an lạc, vì bị cấu xé làm ô nhiễm. Địa ngục hiện tiền là thế, do chúng sinh tự gây tạo rồi chiêu cảm lấy thôi. Đã như vậy thì kêu cầu ai?
Cầu Phật, Phật cứu được không? Nhất định là không, tự mình phải cứu mình. Vì vậy Phật dạy ngài Địa Tạng, những chúng sinh có gieo chút ít căn lành đối với Phật pháp, ông cố gắng giúp họ phát triển căn lành của mình, tự hoàn chỉnh bản thân. Tự hoàn chỉnh mình được rồi thì tự nhiên sự chiêu cảm cảnh địa ngục không còn nữa.
Rõ ràng chủ trương của đạo Phật là hoàn thiện ngay từ con người, sửa ngay từ tâm của chúng ta. Nên có câu tu tâm dưỡng tánh là vậy.
Phật nói tiếp: “Nghiệp lực chúng sanh rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo Thánh. Vì thế, chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo, dù chỉ mảy mún đều phải chịu lấy”. Tôi lặp lại: Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di. Bởi nó lớn quá nên chúng ta tu hoài mà vẫn chưa thành Phật. Tu không hết nghiệp thì làm sao thành Phật được? Lại nghiệp sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo Thánh. Nghiệp nặng quá nên tu không nổi, nghiệp sâu dày quá nên không làm được việc gì có công đức, có đạo hạnh, có trí tuệ. Thế nên người Phật tử phải quan tâm, phải chủ động để chuyển nghiệp, từ nghiệp không tốt thành nghiệp tốt. Chúng ta không sợ nghiệp nhưng phải biết cách chuyển nghiệp. Còn nếu không chuyển nghiệp được thì phải sợ nghiệp thôi. Vì nghiệp đã gây tạo rồi thì phải trả nợ. Chuyện ấy là dĩ nhiên rồi, không ai chạy trốn được.
Phật lại dạy: “Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không có tội, sau khi chết rồi đều có quả báo, dù chỉ mảy mún đều phải chịu lấy”. Dù chỉ tạo một mảy mún, nhỏ xíu thôi nhưng kết quả của nó vẫn có. Một tâm niệm, một ý nghĩ, một lời nói, một việc làm, nhưng tà vạy trái với chánh pháp, trái với lương tâm, thì sẽ mang lấy hậu quả không tốt. Nên người Phật tử phải dè dặt khi tạo nghiệp. “Lại chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dù cho gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau”. Khi đã tạo nghiệp rồi thì phải mang gánh hậu quả của nó, không ai thế cho ai được dù chí thân như cha với con. Nếu có gặp nhau, mỗi người cũng phải đi theo nghiệp riêng của mình. Vì thế chúng ta đừng ỷ lại, cho rằng quý thầy, quý sư cô tụng kinh thì chúng ta có thể siêu độ. Nếu quý thầy cô tu hành không ra gì thì quí vị nghĩ sao? Cầu cho ai giúp cho ai được, trong khi mình nghèo quá? Thực tế là như vậy. Người có tiền của, phương tiện, địa vị thì mới có thể giúp người này người kia được. Nếu nghèo quá, muốn giúp cũng không thể giúp được? Nói không ai nghe, của cải phước lực không có. Đây là điều chúng ta đáng sợ, đáng lo. Chúng sinh cho tới bây giờ còn lăn lóc trong các đường là biết nghiệp tập nhiều lắm. Tội thì nhiều mà phúc thì kém. Tội là, bởi nghiệm lại thấy vừa ngồi yên một chút thì trong lòng lăng xăng, nghĩ chuyện hơn thua, danh lợi … Còn các phúc thiện, việc lành, việc phước chúng ta muốn giữ gìn nhưng có khi lại quên đi từ hồi nào, không nhớ nổi. Trái lại gây với ai, giận ai, buồn ai, cách đây năm mười năm… cần thì nó hiện ra nguyên hình, giống như xem Video. Bởi vậy chúng ta phải tự lo, không nên ỷ lại vào ai. Nếu Phật cứu được thì chúng ta đã thành Phật từ lâu rồi. Không ai cứu mình được bằng mình tự chuyển hóa, tự sửa đổi, tự cải thiện chính tâm của mình.
Cho nên Phật mới dạy ngài Địa Tạng: “Chúng sanh dù chỉ gây được một chút nhân nhỏ xíu ở trong Phật pháp, ông nên dùng đạo lực của ông khiến cho họ phát triển nhân đó, để họ tự thành tựu lấy đạo quả”. Chứ Phật không bảo ngài đem khả năng của ngài khiến người đó thành Phật, thành Tổ, thành La Hán. Trong nhà Phật không có chủ trương ban phước giáng họa như vậy. Chư Tăng, chư Ni là người có trách nhiệm vừa tu hành chân chính, vừa nói lại lời pháp của Phật dạy để cho quý Phật tử nghe và tu tập theo. Chớ chúng tôi không thể ban cho quí vị điều gì cả.
Qua hai đoạn văn trong kinh Địa Tạng cho Phật tử chúng ta thấy, tu hành là tự mình phải nỗ lực. Trên chúng ta có Phật, có thiện hữu tri thức và có những vị đại Bồ Tát luôn luôn phát nguyện gần gũi để dìu dắt chúng ta tu hành, nhưng chính bản thân chúng ta phải tu, phải sửa, thì mới tốt được. Dù thiện tri thức thật nhiều luôn ở bên cạnh nói cho chúng ta những điều hay lẽ phải nhưng bản thân chúng ta không chịu tu sửa thì chẳng được gì cả.
Chủ trương của đạo Phật là phải tự nơi chính mình. Muốn giúp cho người tốt thì bản thân mình phải tốt. Ví dụ như chúng tôi muốn nói đạo lý, hướng dẫn Phật tử tu hành đúng theo chánh pháp của Phật, thì bản thân chúng tôi trước phải tu đúng chánh pháp, sau đó chúng tôi mới có thể hướng dẫn đúng cho Phật tử được.
Chúng ta đừng nghĩ rằng niệm Phật thì được Phật cứu. Niệm Phật là nhờ uy lực của Phật mà giúp cho người chịu tội chuyển hóa tâm thức của họ. Nhờ thế họ thoát khỏi kiếp khổ. Tự mình phải tu, phải cố gắng, phải nỗ lực. Cộng với sự gia trì của chư Phật thì mới thành tựu ước nguyện được. Cũng cần lưu ý công đức tu tập cộng với sự chuyển hóa thanh tịnh, nếu hợp nhau thì chúng ta được hưởng trọn vẹn. Nếu tạo được công đức mà chúng ta không thanh tịnh, không chuyển hóa, thì công đức ấy chỉ hưởng được một phần nho nhỏ thôi.
Truyện tiền thân của Phật kể: Có một tiền kiếp Phật là người con bất hiếu. Khi chết, Ngài đọa vào địa ngục. Ở đó, Ngài thấy có những chúng sanh, trên đầu đeo vòng lửa quay cháy đỏ, toàn thân hừng hực như một cây lửa. Chúng sanh ấy kêu la, than khóc thảm thiết. Thấy cảnh như vậy, Ngài hỏi ngục tốt: “Kẻ ấy tạo tội gì mà bị hình phạt ghê gớm như vậy”. Quỉ giữ ngục đáp: “Đó là một người con bất hiếu. Khi sống kẻ ấy không nghe lời cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn, gây tạo những điều trái đạo, trái với lương tâm, nên bây giờ phải trả nghiệp như vậy”. Nghe xong Ngài rúng động. Bởi vì chính Ngài cũng không nghe lời cha mẹ nên mới bị rớt xuống đây thì chắc chắn vòng lửa ấy sẽ đến với Ngài. Ngài hỏi thêm: Bao giờ kẻ kia mới hết chịu tội báo đó. Quỉ sứ nói: “Chừng nào trên trần gian có người con bất hiếu khác xuống thay thì vòng lửa ấy sẽ hết”. Quỉ vừa dứt lời thì vòng lửa ấy bay vù tới chụp lên đầu Ngài, đốt cháy toàn thân, làm cho Ngài đau khổ, rên la thảm thiết. Nhưng vì Ngài có nhân chủng Phật sâu dày nên qua hình phạt đau khổ đó, Ngài liền phát đại nguyện: “Tôi nguyện chịu thay tất cả những thống khổ này. Nguyện ở trên đời đừng có người con bất hiếu nào đọa vào đây nữa cả”. Vừa phát đại nguyện xong thì vòng lửa đỏ trên đầu Ngài cũng liền biến mất. Ngài thoát khỏi cảnh địa ngục. Chúng ta thấy tâm hiếu quan trọng như vậy đó.
Phật luôn luôn dạy chúng ta phải nỗ lực tu tập để độ mình và độ cho mẹ cha, thân bằng quyến thuộc. Chớ không thể nương nhờ vào Phật lực. Dù Phật đưa tay chờ mà chúng ta không đưa tay để Phật kéo lên thì không bao giờ được cứu vớt cả. Mà đưa tay bằng cách nào? Phật dạy: Phải nhớ Phật, niệm Phật đừng niệm gì khác. Đừng niệm danh lợi tiền bạc ở thế gian mà chỉ niệm Phật. Tức là phải giác ngộ, tỉnh táo, sáng suốt thì Phật mới nắm tay kéo lên được. Chúng ta chưa làm được việc đó nên Phật chờ hoài mà vẫn chưa có ai để kéo lên.
Tu thiền hay tu Tịnh cũng vậy. Nếu không định tỉnh, sáng suốt, tự tu tập, tự khắc phục những khuyết điểm của mình, thì dù cho có nói thiền, có ở chùa làm bao nhiêu việc chăng nữa cũng chẳng được gì. Quan trọng là chúng ta phải tự nỗ lực, cố gắng tu, làm sao cho đạt được kết quả thì việc trả ân cha mẹ không khó.
Lại một câu chuyện nữa trong kinh Địa Tạng. Có người con gái Bà La Môn nhưng rất tin kính Tam Bảo. Cô tu tập theo sự hướng dẫn của chư Tăng Ni, đúng với đạo chân chính, giác ngộ của Phật. Nhưng mẹ cô không chấp nhận. Vì bà là người ngoại đạo nên sanh tâm hủy báng và luôn chống đối việc tu học của con gái. Do đó ba nghiệp thân khẩu ý của bà ngày càng xấu ác. Biết rõ điều đó nhưng cô con gái không làm sao khuyên mẹ được. Cô rất khổ tâm, nên càng nỗ lực tu tập để hồi hướng công đức cho mẹ, mong chuyển hóa được mẹ. Song vì lòng bất kính, hủy báng Tam Bảo của bà quá sâu nặng, nên khi lâm chung, bà bị đọa vào địa ngục. Biết chắc mẹ sẽ đọa vào đường dữ nên trong suốt thời gian bốn mươi chín ngày, cô thiết tha tu hành, cúng dường Tam Bảo để hồi hướng công đức cho mẹ, mong sao cứu mẹ hết khổ.
Trong lúc thành khẩn làm các việc công đức, niệm danh hiệu Phật thì một hôm cô mộng thấy mình đến một bờ biển, dưới biển nước sôi sùng sục. Đứng trên bờ là những người tay cầm chĩa ba, chĩa tư, đầu có sừng có gạc, mặt mũi hung tợn. Nhưng nhờ phúc lực đặc biệt nên đứng gần những vị này mà cô không hề sợ sệt. Lại dưới nước sôi có nhiều thú dữ như cọp, beo, chó… bằng đồng, sắt… và có rất nhiều chúng sanh lặn hụp trong đó. Họ bị những kẻ cầm chĩa đâm chém rồi liệng xuống nước sôi cho thú dữ nhai, nuốt, chơi giỡn. Cảnh tượng thật là hãi hùng. Cô nhìn rồi hỏi người đứng gần nhất: “Đây là nơi nào mà cảnh tượng ghê gớm như vậy”. Quiû sứ đáp: “Đây là địa ngục A Tỳ hay còn gọi là địa ngục Vô Gián”. Cô hỏi: “Những tội nhân nào, tạo nghiệp gì mà bị rớt xuống đây?” Quỉ sứ đáp: “Những ai trên thế gian không tin Tam Bảo, sát hại chúng sanh, làm những việc bất nhân thất đức thì bị rơi xuống đây”.
Cô hỏi thêm: “Do nhân duyên nào mà ông đứng ở đây và vì sao tôi đến nơi này?” Quỉ sứ vui vẻ trả lời: “Nơi này có hai trường hợp để đến được. Một là do nghiệp dẫn, hai là do công đức tu hành. Cô là người tu hành chân chánh nên đến đây mà không sợ sệt gì cả. Cô đứng gần tôi cũng không sợ, còn dám hỏi những chuyện dưới này nữa, nên biết cô có công đức rất lớn”. Quỉ sứ lại hỏi: “Cô đến đây để làm gì?” Cô nói: “Tôi đến tìm mẹ. Mẹ tôi lúc sống không tin Tam Bảo, tạo những điều ác. Vì thế sau khi qua đời có lẽ mẹ tôi sẽ bị dẫn tới những nơi khổ đau này. Tôi đã chí thành, khẩn thiết tu tập và niệm danh hiệu Phật. Nhờ hồng ân, uy đức ấy mà tôi được đến nơi này để tìm mẹ và cứu mẹ”. Quỉ sứ hỏi: “Mẹ cô tên gì?” Cô nói họ tên mẹ và cả tên cha đã chết trước. Quỉ sứ liền chấp tay chào cô một cách hết sức cung kính và thưa rằng: Những tội nhân ấy cách đây ba ngày đã được thác sinh về thế giới an lành rồi. Chẳng những hai người đó được thác sinh mà toàn thể chúng sinh trong cảnh khổ như cô thấy đây, ngày ấy cũng đều được thác sinh hết. Cô gái mừng vô hạn và ngay đó liền phát nguyện như thế này: “Tôi nguyện đời đời tu tập theo chánh pháp, đời đời thay chúng sanh chịu mọi sự đau khổ. Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng hủy báng Tam Bảo, đừng tạo nghiệp để rơi vào địa ngục khổ đau này”.
Như vậy trong đạo Phật có nói đến cứu khổ. Nhưng chủ trương cứu khổ là tự mình phải có công đức, phải tu tập chân chánh, phải chuyển hóa, mới có thể làm việc đó. Chúng ta có quyền cầu nguyện, nhưng chủ yếu là phải nỗ lực tu tập. Do tu tập có công đức nên lời nguyện mới có sự đáp ứng. Nếu chỉ nguyện suông mà không chịu tu thì không có kết quả gì hết.
Tu làm sao? Suy nghĩ bậy thì đừng suy nghĩ, nói bậy thì đừng nói, làm bậy thì đừng làm. Dù tại chợ, tại nhà, hay ở đâu quí vị cũng tu được. Có điều kiện thì đi chùa, sắm đèn nhang cúng kính. Không có điều kiện thì ở nhà người ta chửi mình, mình nhịn là tu. Dân gian có câu: Một câu nhịn chín câu lành. Đừng tưởng nhịn là nhục. Ai nghĩ nhịn là nhục, đó là hiểu theo kiểu nói tầm thường. Nhịn là nhẫn. Nhẫn được là đại hùng, đại lực chứ không phải là nhục. Nếu người ta chửi mình mà mình chửi lại, thì sẽ dẫn tới đánh nhau. Mà đã đánh nhau thì có người ăn, có kẻ thua. Người ăn, kẻ thua không giải quyết được thì thêm mấy ông an ninh khu vực tới chứng minh. Sự việc nếu giải quyết không xong nữa thì phải đưa ra tòa, tốn tiền tốn bạc… đủ thứ phiền não rắc rối. Nên nói một câu nhịn chín câu lành là vậy. Cách tu hành này ai cũng có thể tu được. Giàu cũng tu được, nghèo cũng tu được.
Kế đến, tôi nói về phát tâm Bồ đề. Phát tâm Bồ đề nghĩa là phát tâm giác ngộ. Chúng ta ai cũng có sẵn tâm đó hết. Phật dạy: “Tâm Bồ đề là con đường cái dẫn đến trí huệ, là suối thiên có thể gột rửa tất cả, là cỗ xe chuyên chở các Bồ tát, là cánh cửa mở ra các hành vi của các Bồ tát”. Tâm Bồ đề tức là tâm giác. Tâm đó là tâm Phật, tâm Bồ tát. Phát được tâm đó là mở được cánh cửa lớn, cửa giác ngộ giải thoát.
Phật tử chúng ta sau khi hiểu đạo rồi, phải tiến lên, phải phát tâm Bồ đề. Bởi vì chúng ta không thể nguyện Phật cho mình thành Phật. Mà nguyện con phát tâm cầu thành Phật, phát tâm giác ngộ. Tâm đó con có sẵn, con nguyện nhận ra bản tâm đó của chính con. Chư Phật ra đời là muốn chỉ cho chúng ta nhận ra tâm đó. Vậy muốn phát tâm đó phải làm sao? Phải loại bỏ tất cả những vọng tưởng lăng xăng, đắm trước, tăm tối, chúng ta loại bỏ hết những thứ đó, thì tâm Bồ đề mới hiện tiền. Không cần phải kiếm ở đâu xa. Muốn thế chúng ta hằng tỉnh táo, sáng suốt, soi chiếu lại mình, không chạy theo bên ngoài. Ai có rủ chúng ta về thế giới có tuổi thọ cả ngàn tuổi, hoặc bước một bước từ đầu núi này sang núi khác, hay uống một viên linh đơn sống cả ngàn năm… Chúng ta xin thôi. Sống dài mệt lắm. Chỉ cần sống trong tỉnh táo, sáng suốt, sống với tâm an lạc, giải thoát, tâm Phật, tâm Bồ đề.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rằng: Mục đích của chư Phật ra đời là muốn chỉ cho tất cả chúng sinh nhận được tri kiến Phật của chính mình.
Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: Mục đích ra đời của chư Phật là dạy cho tất cả chúng ta biết chúng ta có cái tâm thanh tịnh, giải thoát, tâm Phật, tâm chân thật, chớ không phải những thứ lăng xăng điên đảo bên ngoài.
Lại trong kinh, Phật cũng nói tâm Bồ đề là nơi trú ngụ của Tam Muội, là khu vườn hưởng thụ pháp lạc, là chỗ an ổn của thế gian, là chỗ nghỉ ngơi nương tựa của bậc Bồ tát.
Chúng ta muốn nương tựa, gần gũi với Phật, chúng ta phải có Tam Muội. Tam Muội tức là sự định tỉnh của mình. Ví dụ đang ngồi đây mà nghe ai nói đến tên mình hay tên của người thân mình là nổi sùng lên, đó không phải là định tỉnh. Mà nghe thì cứ nghe, nghe âm thanh, xe chạy, người nói… mà vẫn ở trong định tỉnh, đừng để âm thanh dẫn mình đi. Như vậy là có chánh định, có Tam Muội.
Đến đây tôi kể một câu chuyện trong nhà Thiền.
Có một nhà sư tu khổ hạnh, thường ngồi chẳng nằm. Vì thế ít người dám theo học với ngài. Duy có chú đệ tử nhỏ thông minh lanh lợi thì thường gần gũi nhà sư. Ngài nhận biết chú nhỏ sau này có thể dùng được, nên cho làm thị giả. Có điều lạ là chú không nghe lời thầy. Ông thầy thì ngồi thiền suốt ngày đêm, trái lại chú nằm hoài. Lúc đầu, thấy chú còn nhỏ mà bắt chú ngồi nhiều thì không được, nên ngài cho chú nằm. Nhưng nằm thì cũng phải có giờ ngồi dậy, chớ nằm hoài sao được. Tuy nhiên chú nằm ngủ nhưng rất tỉnh. Khi ngài động là chú giựt mình thức dậy, rất tỉnh táo. Một hôm thấy đệ tử đã lớn mà cứ nằm hoài ông thầy phát bực, quở: “Chú mày nằm hoài chết sẽ thành rắn”. Chú đệ tử trả lời: “Sư phụ cứ ngồi hoài chết sẽ thành cóc”. Ngay câu nói ấy, ông thầy ngộ đạo. Từ công phu lâu ngày nên chỉ cần một duyên nhỏ ngài liền ngộ đạo. Ông thầy như thế, có học trò như thế, thành tựu được cho nhau, kể cũng thật là đặc biệt. Cho nên trong nhà Thiền quý ở tâm định tỉnh.
Tóm lại, dù trong hoàn cảnh nào, là người tại gia hay xuất gia, chúng ta cũng phải để tâm vào việc tu tập. Trước là tự lợi cho mình, sau cũng để đền trả thâm ân cao trọng của cha mẹ. Đem công đức tu tập của mình hồi hướng về cho cha mẹ phát tâm kính tin Tam Bảo, bỏ ác làm lành, đời đời sanh vào ngôi nhà Phật pháp. Phật dạy tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Vậy chúng ta phải làm sao để mình và cha mẹ phát tâm Bồ đề, tu hành cho đạt được quả vị Phật mới xứng đáng là đệ tử Như Lai. Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, ngày tự tứ năm 1993 này, chúng tôi xin chúc toàn thể quí Phật tử, hiện diện cũng như vắng mặt hôm nay nhớ lại rằng chúng ta đều có Phật tính, có tri kiến Phật. Chúng ta là Phật sẽ thành. Vậy chúng ta phải làm sao phát huy được tính Phật sẵn có nơi chính mình. Chúc quí vị thành Phật, chúng tôi cũng thành Phật. Tất cả chúng ta đều thành Phật.