Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình ở Hà Nội đã tranh thủ dịp cuối tuần đi tảo mộ sớm để mời người thân đã quá cố về ăn Tết.
Ghi nhận tại một công viên nghĩa trang ở Hòa Bình trong hai ngày cuối tuần, khá đông gia đình theo mang hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng… tới phần mộ của người thân được đặt ở đây.
Tất cả đều tất bật chuẩn bị, người lau dọn, vặt cỏ dại, người sắp lễ vật… sau đó thắp hương để thành kính mời người thân quá cố về ăn Tết cùng gia đình.
Tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, nhiều gia đình đã tổ chức đi tảo mộ sớm dịp cuối năm.
Những cành đào, quất…cũng được người dân mang tới để trang trí cho phần mộ.
Việc tảo mộ cũng là để dạy cho con cháu biết nhớ ơn đến ông bà tổ tiên.
Là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa.
Tất cả khi lên tới đây đều tất bật dọn dẹp, chỉnh trang lại phần mộ người thân.
Đa phần mọi người đều chấp hành đeo khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh.
Do thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại, nên đa phần người dân khi tới đây đều chấp hành mang theo khẩu trang để phòng tránh, một số người quên đều được nhân viên nghĩa trang phát miễn phí.
Bà Đinh Thị Tuyết Mai (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch này, gia đình bà đã tập trung con cháu và đi xe riêng của gia đình, hạn chế tiếp xúc với người ngoài.
Bà Đinh Thị Tuyết Mai cho biết, cả gia đình bà đã đi xe riêng để lên đây
Việc đi xe riêng sẽ hạn chế tiếp xúc với người ngoài trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Tảo mộ giúp những thành viên trong gia đình có thời gian để gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết.
“Chồng tôi mất từ năm 2012, mặc dù cách nhà 60 km, nhưng hàng năm cứ vào dịp gần đến ngày cúng ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) và chuẩn bị đón năm mới thì gia đình tôi đều tập trung để lên đây tảo mộ, dọn dẹp cỏ dại xung quanh và dâng hương hoa để mời ông ấy về ăn tết sum vầy”, bà Mai chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Tiến (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ, tảo mộ là một nét đẹp từ xa xưa của người Việt Nam ta, chính vì vậy năm nào vào dịp này gia đình ông cũng lên đây, thông qua đó dạy con cháu phải biết nhớ nguồn, giữ gìn truyền thống gia đình.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tảo mộ là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, vun lại những nấm mộ, sửa sang, tu bổ, chăm sóc những cây xanh ở xung quanh mộ phần của người thân quá cố trong gia đình.
Tảo mộ cuối năm còn là dịp để gia đình, con cháu sum vầy, ôn lại những kỷ niệm đã qua và mời những người đã qua đời về ăn Tết cùng gia đình.
Theo dantri.com.vn