Cố nhạc sĩ An Thuyên trong ký ức đong đầy yêu thương của vợ
“Khi còn sống, ông nói vui, cứ nhìn tủ quần áo của mẹ là biết số lần mẹ giận ba. Bởi mỗi lần giận chồng, tôi đều đi may quần áo. Còn ông giận vợ là thức thâu đêm sáng tác, chẳng thế mà giận vợ nên ông viết “đêm ra đồng, em đổ ánh trăng vàng đi…”.
Ngày 12/6 vừa qua là kỷ niệm 2 năm ngày mất của nhạc sĩ An Thuyên. 2 năm kể từ ngày ông vĩnh viễn ra đi, vợ ông – đạo diễn Ngô Huyền Lâm – càng thấm thía nỗi cô đơn khi ông không còn bên cạnh.
“Tôi cằn nhằn ông ấy cả đời và cũng… yêu ông cả đời”
“Lúc chú nằm xuống cô bình tĩnh lắm, rồi 100 ngày lại chuẩn bị đêm nhạc tưởng nhớ chú, rồi giỗ đầu… mọi thứ cứ cuốn mình vào nhưng càng về sau càng ngấm, ngấm vì chẳng được… cằn nhằn chú nữa”, đạo diễn Huyền Lâm cười hiền từ mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Bà kể, suốt 40 năm sống với nhau, bà và chồng có khá nhiều điểm khác biệt nhưng: “Sự khác biệt đó khiến cô cằn nhằn ông ấy cả đời và cũng… yêu ông cả đời”. “Có lẽ điểm hợp nhau duy nhất là cô thích nhạc và chú thích xem kịch!”, đạo diễn Huyền Lâm hồi tưởng.
Mặc dù yêu thương nhau đến độ không thể rời xa nhưng vợ chồng cố nhạc sĩ An Thuyên, mỗi người “chiếm” một tầng nhà làm thế giới riêng. Lý do chỉ vì sinh hoạt của hai ông bà như “mặt trăng, mặt trời”: lúc bà ngủ thì ông thức. Ông đắp chăn thì bà bật quạt. Về cơ bản, bà là người tính “động”, còn ông tính “tĩnh”.
Bà Huyền Lâm bên nơi an nghỉ của nhạc sĩ An Thuyên tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) |
“Hễ nhà có khách, dù là đồng nghiệp hay học trò, bao giờ ông ấy cũng nhường phần tiếp khách cho tôi bởi tính tôi thích sự ồn ào vui vẻ, còn ông lúc nào cũng im lặng cười trừ. Với việc dạy con trong gia đình, tôi là phụ nữ nhưng đóng vai “ác”, còn chồng đóng vai “thiện”. Vì thế mà con trai An Hiếu và con gái Bông Mai thân và bênh ba của chúng lắm và chắc là… cằn nhằn về tôi đấy!”.
Bà Huyền Lâm bật cười khi nhớ đến thói quen của chồng: “Ông lười tắm và thích mặc quần đen”. Rồi bà giải thích, khi còn sống, sức khỏe của ông không tốt nên nhiều hôm đi làm về khuya, ông không tắm và thế là bị vợ cằn nhằn. Rồi ông chỉ thích mặc quần màu đen. Thấy vậy, bà đi may cho ông thật nhiều quần màu khác, xếp quần đen của ông vào góc để bắt ông mặc quần màu nhưng ông chỉ mặc để vợ vui, rồi vài ba hôm lại tìm quần đen để mặc.
Ấy vậy nên giờ, điều bà ân hận nhất không phải là ông ra đi đột ngột quá, không trăng trối gì, bà cũng không được gặp ông lần cuối mà “Ân hận là vì thời gian cuối, tôi hay giận ông ấy. Tôi bảo ngủ, ông ấy không ngủ, ông ấy đòi ăn đường, ăn mỡ thì tôi lại không cho”, đạo diễn Huyền Lâm bùi ngùi.
Song, đạo diễn Huyền Lâm cũng khẳng định: “Cuộc sống gia đình chúng tôi yên ấm đến ngày hôm nay cũng chính nhờ có những lúc như thế. Người ta cứ nói để sống được với nhau thì mỗi người phải tự gọt rũa bản thân nhưng thực ra không phải. Mỗi người là một cá tính, với những sở thích khác nhau nên sống được với nhau là vì tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt đó. Hãy chấp nhận và tôn trọng thói quen của người khác nếu điều đó không làm ảnh hưởng đến ai cả. Tôi nghĩ, tình yêu sau hôn nhân không phải là sự lãng mạn mà là sự tôn trọng nhau, biết quan tâm đúng lúc và biết sở thích của nhau”.
Mộ Thiếu tướng – nhạc sĩ An Thuyên được khắc câu thơ: “Nẻo trăng lên, cõi trăng về/An nhiên như thể chưa hề long đong” – câu thơ tựa như ghi lại cả cuộc đời của ông |
“Giao thừa nào tôi cũng khóc vì tủi thân”
Bà Huyền Lâm kể, bà có thói quen ăn bữa tối lúc 6h chiều. Có lần, bà ngồi mãi chờ cơm ông đến 8h tối mới ăn. Lúc ông về, trên tay cầm bó hoa và bảo: “Ba tặng mẹ nhân ngày 8/3 này!”. “Tôi lại cằn nhằn: “Ôi giời, hoa gì! Thế mà không về sớm ăn cơm!”, thấy thế cố nhạc sĩ An Thuyên lại cười vì… “ông biết tính tôi”.
“Có lẽ những phút lãng mạn của hai vợ chồng tôi lại không phải là khi cùng nhau ở nhà mà ở những chuyến đi công tác của ông ấy. Vì khi đó, ông thường xuyên gọi điện về cho tôi bảo: “Mẹ à, ba đang ở đây, ba đang đến chỗ này, ba đang làm cái này…” những câu nói tình cảm lắm!”.
Ký ức về người chồng tài hoa, đam mê công việc luôn hiện hữu trong từng câu chuyện của bà Huyền Lâm. Ông là người hiền lành, bận công việc. Mọi việc trong nhà bà quyết định hết, ông về chỉ cười trừ.
Bà kể: “Ngày đó sàn nhà gạch đá hóa đã cũ và gồ ghề lắm. Tôi bàn với ông thay cái sàn nhà nhưng ông không chịu vì ở trường bận bịu công việc quá rồi, nên ông chẳng muốn bận tâm với các việc lặt vặt khác. Thế là tôi chủ động tất cả mọi chuyện và chỉ chờ ông đi công tác là… tiến hành.
Bà Huyền Lâm cùng con cháu đến thắp nén nhang ở nơi an nghỉ của người chồng – Thiếu tướng – nhạc sĩ An Thuyên |
Tôi làm bài bản lắm nhé! Hễ ông ở xa gọi điện về nhà hỏi thăm, tôi bảo thợ dừng tay làm để không tạo ra tiếng ồn. Còn tôi thì tuyên bố với hai con: Ba về mà cằn nhằn là mẹ xách túi ra khỏi nhà đấy! Có lẽ biết vậy nên ngày trở về, nhìn sàn nhà mới, ông cũng chỉ tủm tỉm cười”.
“Ngày 2 con còn bé, năm nào Giao thừa đến, tôi cũng khóc. Khóc vì tủi thân bởi việc gì trong nhà cũng đến tay mình. Năm ấy, ông An Thuyên bàn với con trai An Hiếu rằng: “Năm nay ba con mình không để cho mẹ khóc nữa”. Thế là họ rủ nhau làm thịt gà để cúng Giao thừa giúp tôi. Ngờ đâu, vừa cắt vào cổ con gà, con gà giãy và hai bố con làm tuột mất, khiến gà chạy khắp nhà… và mẹ lại ngồi khóc”.
Bà Huyền Lâm nhớ lại: “Hồi còn sống, ông hay nói vui rằng, cứ nhìn tủ quần áo của mẹ là biết số lần mẹ giận ba”. Bởi mỗi lần giận chồng, tôi đều đi may quần áo. Còn ông thì lạ lắm, giận vợ thì… làm việc thâu đêm để sáng tác, chẳng thế mà giận vợ rồi thì ông viết “đêm ra đồng, em đổ ánh trăng vàng đi”.
Nhớ người bạn đời là vậy, nhưng bà Huyền Lâm chiêm nghiệm rằng: Ai rồi cũng phải ra đi, nhưng ra đi không bê bết, không đau ốm mà có quá nhiều người học trò tất cả các thế hệ từ Bắc chí Nam đến, bạn bè khắp các nơi. Không riêng gì những người gắn bó với ông, cả những người không quen biết nhưng chỉ qua tác phẩm âm nhạc của ông thôi thì họ cũng đều yêu quý ông hết mực. Chính điều đó làm cho gia đình được an ủi rất nhiều. Tuy ông mất sớm nhưng thế cũng là một cái kết đẹp.
Thiếu tướng – nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8 (âm lịch) năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An; mất ngày 18/5 (âm lịch) năm 2015 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Ông nguyên là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (chuyển lên đại học năm 2006) từ năm 1993 đến 2009. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”… Ca khúc “Ca dao em và tôi” của ông cũng được nhiều ca sĩ trình diễn. |
Theo: phunuvietnam.vn