(DĐDN) – Cạnh tranh không lành mạnh là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nó đang diễn ra ngày càng phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trốn thuế, gian lận đấu thầu hay làm nhái, làm giả sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp khác…
Biểu tượng rồng chầu mặt trời tại cổng của Lạc Hồng Viên ở Hòa Bình
Đặc biệt, việc cạnh tranh không lành mạnh, cố tình làm giả nhãn hiệu, gây nhầm lẫn, mất uy tín nghiêm trọng cho đối thủ cạnh tranh là chiêu bài không mới nhưng rất “hiểm”, có thể gây điêu đứng cho nhiều doanh nghiệp chân chính.
Ví dụ: Nhãn hiệu Lavie là nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực nước giải khát. Ăn theo nhãn hiệu đó, một loạt cái tên na ná xuất hiện như Lave, Lavige… với thiết kế chai và màu sắc tương tự đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Khi tham gia vào thị trường hàng hóa, dịch vụ, vì những động cơ vụ lợi, nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đối thủ bằng mọi thủ đoạn, làm cho khách hàng của doanh nghiệp đối thủ bị nhầm lẫn thông qua hành vi tạo ra những chỉ dẫn tương tự trên sản phẩm.
Thực tiễn ở nước ta trong thời gian qua, hành vi cạnh tranh không lành mạnh này diễn ra phổ biến ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, thậm chí cả trong lĩnh vực văn hóa tâm linh.
Có thể kể ra đây là vụ kinh doanh công viên nghĩa trang. Theo phản ánh của người dân, khi họ có nhu cầu lo nơi an nghỉ cuối đời cho người thân, một trong những nơi họ nghĩ đến là công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên.
Nhãn hiệu Lạc Hông Viên bị Công ty Thiên Đức sử dụng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Lạc Hồng Viên được cấp bản quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn cầu
Tuy nhiên, khi lên Google tìm kiếm địa chỉ Lạc Hồng Viên thì kết quả trả về nhiều địa chỉ Lạc Hồng Viên, trong đó có Lạc Hồng Viên của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu ở Hòa Bình và Lạc Hồng Viên thuộc Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây dựng Thiên Đức ở Phú Thọ khiến khách hàng có nhu cầu không biết đâu là Lạc Hồng Viên thật.
Qua tìm hiểu của PV báo DĐDN được biết, Lạc Hồng Viên là nhãn hiệu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận ngày 25/8/2014.
Như vậy, về nguyên tắc sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu Lạc Hồng Viên đã được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu thì không thể cấp cho một đơn vị khác. Do đó, việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Đức cố tình sử dụng nhãn hiệu Lạc Hồng Viên của doanh nghiệp khác đang gây nhầm lẫn cho khách hàng.
PV cũng đã gọi đến số hotline trên trang web Lạc Hồng Viên-Thiên Đức vĩnh hằng để hỏi về dự án Lạc Hồng Viên thì được nhân viên trực số hotline trả lời: “Đây là dự án Lạc Hồng Viên của Thiên Đức. Tên dự án do chủ đầu tư đặt, mọi người trong công ty đều gọi đơn giản là Lạc Hồng Viên…chính xác thì gọi đầy đủ là Lạc Hồng Viên-Thiên Đức.”
Thậm chí, khi được hỏi về việc có biết đến dự án Lạc Hồng Viên ở Hòa Bình hay không thì nhân viên đó “vô tư” bảo không biết mặc dù chỉ cần gõ tên Lạc Hồng Viên trên Google là lập tức hiện ra trang web của Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu (lachongvien.vn).
Dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là hành động cố tình làm giả nhãn hiệu, gây nhầm lẫn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Đức và làm phương hại đến uy tín, thương hiệu của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu đã dày công xây dựng trong suốt hớn 3 năm qua?
Ông Tuấn Anh – Phó trưởng VP tại Văn phòng Luật sư Đại Lộc Việt cho biết: Người có hành vi lập các trang web mạo danh hoặc sử dụng các thông tin về cá nhân/doanh nghiệp khi chưa được sự đồng ý có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị Định 71/2014/NĐ- CP quy định chi tiết mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm luật cạnh tranh, các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Điều 39 Luật Cạnh tranh cũng liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có đề cập tới việc chỉ dẫn gây nhầm lẫn: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh; cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn này gây nhầm này”.
Với các quy định trên, có thể thấy Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Đức có dấu hiệu mắc 2 vi phạm là: Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý… làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh; Kinh doanh các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
Như vậy, mặc dù đã có chế tài xử phạt, nhưng những doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Đức vẫn ngang nhiên bằng nhiều hình thức tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh mà không bị xử lý. Nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiêm minh của pháp luật và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp là cả quá trình dài và vất vả. Việc sử dụng một tên miền na ná với một tên miền đã gây dựng được niềm tin của khách hàng trước đó, phải chăng Thiên Đức quan niệm “chuyện kinh doanh là kinh doanh, không cần đến đạo đức”, bất chấp tất cả để đạt được mục đích, kể cả vi phạm pháp luật???
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nếu cứ để tình trạng cố tình vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra sẽ gây ấn tượng xấu về môi trường kinh doanh, đấy là chưa kể sẽ phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc của quốc tế khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế và khu vực. Để tạo thói quen và môi trường kinh doanh “sạch” rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Xem thêm:
Chiêu trò mạo danh website bất động sản nổi tiếng lừa ‘thượng đế’
Dự án bị nhái tên khiến người mua sập bẫy lừa
Những mánh khoé “chơi bẩn” đối thủ mới trên thương trường
Công ty Thiên Đức bị tố xâm phạm quyền nhãn hiệu “Lạc Hồng Viên”
Nhãn hiệu Công viên Nghĩa trang “Lạc Hồng Viên” bị “lập lờ đánh lận con đen”
Nhiều người tiêu dùng “sập bẫy” với chiêu trò “nhái” thương hiệu