Lễ Vu Lan báo hiếu: Nhiều người lựa chọn cúng qua ‘video call’ vì địa lý xa xôi
Nhiều người cho rằng việc làm lễ, khấn nguyện với đấng sinh thành đã khuất trực tiếp tại mộ phần là tốt nhất, ý nghĩa nhất nhưng vì gia đình tôi ở quá xa, nên thực hiện nghi lễ qua online là giải pháp văn minh.
Những ngày đầu tháng 7 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Phúc Hào (62 tuổi, ở Đắk Nông) trước thềm chính của mùa Vu Lan, khi các ban thờ của đại gia đình ông Hào ở Sài Gòn và Đắk Nông đã đầy đủ các lễ vật, thì tại mộ phần người thân ở Hòa Bình, tất cả lễ vật, hương – hoa – quả – thực cũng được bày biện đầy đủ, tươm tất.
Khi mọi thứ ở hai đầu Nam – Bắc đều đã tươm tất, đẹp mắt, cũng là lúc buổi lễ Vu Lan cầu cho quốc thái dân an, tưởng nhớ đấng sinh thành bắt đầu diễn ra thông qua ứng dụng zoom (nền tảng cung cấp dịch vụ gọi video và trò truyện trực tuyến – PV).
Bằng dịch vụ này, đại gia đình ông Hào ở Sài Gòn, Đắk Nông và “đầu cầu” nghĩa trang ở Hòa Bình đều có thể tương tác, trao đổi với nhau như gặp mặt trực tiếp.
Ông Hào cho biết: “Ban đầu sử dụng dịch vụ làm lễ online, tôi chưa thực sự tin tưởng. Bởi vì dịch COVID-19 nên chúng tôi coi cách làm này giải pháp tình thế. Thế nhưng, khi làm rồi, tôi thấy sự ý nghĩa được nhân lên”.
Lý giải việc lựa chọn hình thức cúng online, ông Hào cho biết trước khi có dịch COVID-19, đại gia đình ông ở Sài Gòn, Đắk Nông đều sắp xếp thời gian đến Hòa Bình để tưởng nhớ người quá cố tại mộ phần, nhưng từ khi có dịch đến nay, gia đình ông đều thực hiện cúng giỗ, Vu Lan bằng hình thức online là giải pháp tình thế.
Vì địa lý ở xã nên đại gia đình gần 20 thành viên ở Đắk Nông, Sài Gòn thực hành lễ Vu Lan báo hiếu bằng ‘video call’
“Tuy nhiên, sau 2 lần cúng giỗ bằng hình thức này và cảm thấy sự văn minh, tiết kiệm cả thời gian, kinh tế, tôi quyết định báo hiếu, tưởng nhớ đấng sinh thành tại Hòa Bình dịp Vu Lan, bằng hình thức trực tuyến”, ông Hào cho hay.
Ông Hào tâm sự, quê gốc gia đình ở Hà Nội. Hiện ông đang sinh sống và công tác tại Đắk Nông, chị gái ruột ở Sài Gòn. Năm 2016, gia đình an táng mộ phần bố ông là Nguyễn Phúc Anh tại công viên Lạc Hồng Viên (ở Lương Sơn, Hòa Bình).
Do vị trí địa lý không thuận lợi nên trước khi sử dụng dịch vụ cúng lễ online, đại gia đình ông Phúc Hào rất ít khi sắp xếp được thời gian để tất cả thành viên trong gia đình đều có mặt để thực hiện nghi lễ với người đã khuất.
Ông Hào cho rằng: “Việc làm lễ, khấn nguyện với đấng sinh thành đã khuất trực tiếp tại mộ phần là tốt nhất, ý nghĩa nhất nhưng vì gia đình tôi ở quá xa, nên thực hiện nghi lễ qua online là giải pháp văn minh. Năm nay, tôi chủ động liên hệ nghĩa trang để đặt vấn đề hỗ trợ sắp lễ. Lễ của gia đình tôi năm nay chuẩn bị cho mộ phần bố là mâm cúng chay 7 món, cùng vàng mã, xôi chè, trái cây, đồ cúng chúng sinh…”.
Ông Hào nói thêm, dù ngồi một chỗ, ở tại nhà nhưng mọi thành viên trong gia đình ở mọi miền Tổ quốc đều có thể tụ tập, tương tác, trò truyện với nhau và cùng nhau thực hành nghi thức Vu Lan tại mộ phần người thân quá cố bằng hình thức online. Hơn nữa còn tiết kiệm cả chi phí lẫn kinh tế cho các thành viên trong đại gia đình.
Cúng online đang trở thành xu thế
“Ý nghĩa hơn cả là khi có người thực hiện các nghi lễ tại mộ phần, thì bàn thờ gia tiên đặt tại mỗi gia đình đều có thể cùng lúc hương hỏa, thực hành nghi lễ Vu Lan”, ông Hào nói.
Tương tự, bà Nguyễn Cảnh Diệp (58 tuổi, ở Đà Nẵng) cũng lựa chọn giải pháp online để thực hành các nghi thức tại mộ phần ở Hà Nội trong dịp lễ Vu Lan năm nay.
Bà Diệp cho cho rằng, dù không thể thay thế việc thờ cúng, báo hiếu theo hình thức truyền thống là có mặt đọc tên nhưng trong bối cảnh con cháu công tác, sinh sống mỗi người một xứ, thì các nghi thức thực hiện bằng online là rất tiện lợi.
“Trong những tình huống bất khả kháng, nó vẫn giúp cho phận con cháu chúng tôi, những người quá bận rộn với cuộc mưu sinh, được cảm thấy thoải mái hơn trong lòng”, bà Diệp cho hay.
Lễ Vu Lan báo hiếu online đang thành xu thế
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, bà Nguyễn Ngọc Trâm, người chuyên thực hành nghi thức lễ tại mộ phần ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết, nghi lễ Vu Lan bằng hình thức online bắt đầu từ khi nước ta có dịch COVID-19 đến bây giờ. Mặc dù số lượng người sử dụng dịch vụ thực hành các nghi lễ bằng hình thức online giảm hơn so với thời điểm dịch COVID-19 nhưng nhìn chung, việc thực hành các nghi lễ bằng hình thức online hay còn gọi là dịch vụ cúng giỗ online đang là xu thế, là giải pháp cho những người bận bịu, hoặc xa xứ.
Theo bà Trâm, hình thức này được lựa chọn bởi những người không thể đến trực tiếp tại mộ phần. Dịp Vu Lan năm nay, trong số các gia đình liên hệ nghĩa trang hỗ trợ thực hiện các nghi thức báo hiếu bằng hình thức online, thì phần nhiều là chọn mâm cúng chay 7 hoặc 9 món, cùng các phần lễ khác như vàng mã, trái cây, lễ cúng chúng sinh…
Chị Nguyễn Ngọc Trâm thực hành nghi lễ cúng chúng sinh cho mộ phần
“Nghĩa trang sẽ hỗ trợ gia chủ theo mong muốn của gia đình dựa trên lối thờ tự của mỗi gia đình đó. Chúng tôi thực hiện các nghi thức báo hiếu bằng hình thức online bằng cách kết nối đa chiều giữa nghĩa trang với các gia đình và quá trình thực hành các nghi lễ, các gia đình cũng có thể tham gia trực tiếp.
Ngoài ra, nếu các gia đình không yêu cầu, chúng tôi ghi lại buổi thực hành các nghi lễ tại mộ phần, sau đó gửi cho gia đình có mộ phần tại nghĩa trang. Những khách ở nước ngoài chủ yếu nhận video sau khi hoàn tất các nghi thức tại mộ phần”, chị Trâm cho hay.
Theo chị Trâm, vì quan niệm “trần sao âm vậy” nên hầu hết, các gia đình đặt mâm cúng chay/mặn có 7 hoặc 9 món.
“Ban đầu, tôi cảm giác không thật nhưng khi bắt tay vào làm thì tôi thấy rằng, việc làm này mang nhiều ý nghĩa hơn khi chỉ dừng lại ở vai trò kết nối. Bởi tôi có thể thay mặt gia đình, con cháu dâng đồ lễ đến chân linh hương tại mộ phần. Mọi tâm tư, hành động của chúng ta có thể dối được người trần nhưng chẳng giấu được “người âm”, nên người làm phải thực hiện hoàn toàn bằng cái tâm”, chị Trâm cho hay.
Quan niệm “trần sao âm vậy” nên hầu hết, các gia đình đặt mâm cúng chay/mặn có 7 hoặc 9 món
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình cho rằng, đối với đấng sinh thành đã khuất, con cháu nên thực hiện việc hiếu nghĩa trực tiếp. Bởi khi có mặt trực tiếp, chúng ta có thể tự thực hiện các món ăn, dâng lên nơi thờ tự và tự tay thắp nén hương cho người đã khuất sẽ ý nghĩa hơn nhiều là việc thực hiện từ xa.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế từ khi có dịch COVID-19, hoặc với những người ở xa, việc sử dụng cúng giỗ, thực hành các nghi thức tại mộ phần bằng hình thức online sẽ dần được chấp nhận.
“Tôi cho rằng, điều này hoàn toàn thể hiện được sự tôn kính đối với tổ tiên, với người đã khuất”, Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.