Sau khi chia tay vĩnh viễn người chết mọi người dặn dò người thân không buồn nữa, rồi cùng nhau uống rượu cần, ca hát nhảy múa, biến lễ Bỏ Mã thành lễ hội quan trọng và vui vẻ nhất của người Raglai.
Cũng như dân tộc Chăm anh em kế cận, người Raglai cũng quan niệm, trong cuộc sống nhân gian có hai thế giới cùng tồn tại song song, đó là thế giới của người đang sống và thế giới của người đã khuất. Thế giới mà ta đang sống chỉ là tạm bợ và thế giới của người đã khuất mới là thế giới vĩnh hằng. Do đó, khi có người thân đã qua đời, họ luôn tổ chức một lễ bỏ mả trang trọng. Lễ chia tay người chết về thế giới vĩnh hằng là một lễ nghi quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người Raglai.
Với những gia đình có nhiều của cải lễ bỏ mả sẽ được thực hiện một ngày sau khi người chết vừa qua đời. Với những gia đình không có nhiều của cải sẽ được cộng đồng giúp đỡ nhưng lễ bỏ mả sẽ được tổ chức sau một năm hay hai năm sau đó.Người Raglai có cuộc sống mang tính cộng đồng, nên lễ bỏ mả phải tập trung đầy đủ những người trong làng cùng tham dự để cùng chia tay người đã khuất và cùng nhau thực hiện các nghi lễ một cách đầy đủ, trang trọng.
Lễ bỏ mã được thực hiện trong 3 ngày với những nghi thức khác nhau, mỗi nghi thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền tụng từ đời này sang đời khác và bảo lưu một cách nguyên vẹn.
Ngày đầu của buỗi lễ là ngày chuẩn bị lễ vật và thông báo đến các anh em bạn bè gần xa ở các làng khác cùng đến chung vui và tiễn đưa người chết. Lễ vật là 3 ché rượu cần, 3 con heo, một con bò hoặc con trâu, gà, vịt và những sản vật của địa phương.
Ngày thứ hai được xem là ngày lễ quan trọng tại nhà. Trong ngày này bà con hàng xóm láng giềng cùng đến bữa ăn bữa cơm để chia tay người chết. Lễ vật chia cho người chết được làm một mâm cỗ nhỏ gồm 3 chén rượu cần được múc ra từ 3 ché, 3 đĩa thịt heo, 3 chén trầu cau, 3 chén gạo, một con gà luộc.Trong ngày đầu của buỗi lễ sẽ thực hiện nghi thức mời thầy cúng (Chủ Nhang) là già làng được mọi người trong palei (làng) tin tưởng, kính trọng và am hiểu nhiều những bài khấn vái, bùa phép. Sau lễ mời Chủ Nhang sẽ là nghi thức dặn hồn mả. Người chết sẽ được Chủ Nhang thông báo tại ngôi nhà mồ về ngày, giờ diễn ra lễ bỏ mả để người chết biết mà đến đón nhận những lễ vật được chia cho người chết. Sau những nghi thức trên Chủ Nhang và những người trong gia đình cùng thực hiện nghi thức múa, khóc tế và khấn vái để cầu xin ông bà tổ tiên cho linh hồn người chết về với tổ tiên ở bên kia thế giới.
Sau khi lễ vật xong xuôi được đưa lên cúng ở trên kệ cao, rồi Chủ Nhang cùng đoàn người thân trong gia đình đến nhà mồ khóc tế, múa Mã la để rước hồn người chết về nhà ăn cơm. Sau đó, mọi người trong làng cùng ăn cơm để chia tay người chết rồi chuẩn bị lễ làm tầng mã. Lễ này được xem là quan trọng nhất, tất cả mọi người phải tham gia đông đủ để gặp gỡ và chia tay người chết lần cuối cùng. Lễ được thực hiện từ đầu giờ chiều đến chập tối, sau đó mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát bên đống lửa và ché rượu cần cho đến sáng hôm sau.
Ngày thứ ba được xem là ngày chia tay vĩnh viễn người chết. Sáng sớm của ngày thứ ba mọi người chuẩn bị lễ vật để cúng cho người chết tại nhà mồ, kèm theo đó là lễ cúng cơm sáng. Sau đó, những người đàn ông khiêng lễ vật ra nhà mồ, đến nơi mọi người bày lễ vật ra xung quanh. Chủ Nhang của buổi lễ chia cho mọi người những nén hương, sau đó mọi người đứng thành vòng xung quanh nhà mồ khấn vái để chia tay linh hồn người chết, đội múa Mã la nhảy vòng xung quanh nhà mồ.
Lễ xong xuôi tất cả mọi người trong làng cùng ăn cơm, uống rượu cần, đốt lửa nhảy múa, ca hát trước sân nhà, biến ngày buồn thành ngày vui, biến ngày lễ thành ngày hội, mọi người vui vẻ, vui chơi đến thâu đêm suốt sáng.Sau những nghi lễ tại nhà mồ mọi người cùng nhau về nhà chuẩn bị buổi lễ dặn dò người sống trong gia đình không buồn nữa. Chủ Nhang cùng những người thân trong gia đình cùng nâng chén rượu cần, khấn vái và dặn dò người trong nhà phải tiếp tục sống và làm ăn phát đạt, giàu có.