Nhiều người sinh sống tại Thủ đô Hà Nội khi biết được thông tin một số nghĩa trang đang có xu thế “đóng cửa” vì quỹ đất không còn. Họ đã tính đến chuyện mua nơi “yên nghĩ” sẵn cho người thân, thậm chí có gia đình đã chuẩn bị sẵn mộ cho cả nhà…
Theo tìm hiểu, nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội), với diện tích 18 héc ta, sau khi quá tải và gây ô nhiễm nặng nề đã dừng tiếp nhận các trường hợp hung táng. Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, sau khi đóng cửa nghĩa trang Văn Điển, đến lượt 2 nghĩa trang Yên Kỳ (cũ) và Thanh Tước đến nay cũng bắt đầu quá tải. Bên Thanh Tước gần hết chỗ địa táng, còn bên Yên Kỳ (cũ) chỉ còn đủ năng lực tiếp nhận trong vài tháng nữa.
Qua đó, nổi lên các vấn đề nghiêm trọng về nghĩa trang tại Thủ đô đó là chật chội, quá tải, quy hoạch lộn xộn, giá đắt đỏ, dịch vụ không có và có thể bị di dời bất cứ lúc nào. Thực trạng đó, khiến nhiều người dân Thủ đô lo lắng, không biết người thân hoặc chính mình khi “Diêm vương gạch chân” sẽ chôn cất ở đâu. Do đó, có khá nhiều người đã chuẩn bị trước nơi “yên nghỉ” cho người thân trong gia đình và cho chính mình.
“Biết được khi chết mình nằm ở đâu yên tâm lắm!”
Tình cờ chúng tôi gặp và bắt chuyện với bà Nguyễn Thị Mẫn (72 tuổi, ở Nam Từ Liêm – Hà Nội), khi bà đi tập thể dục tại 1 công viên trong thành phố. Sau một vài câu chuyện tào lao về đời thường, bà cho biết cuối tuần sẽ đi thăm mộ của bà xem có sạch sẽ không, khiến chúng tôi tò mò, thắc mắc “Thăm mộ của bà là sao?, bà đã xây mộ sẵn rồi à?”.
Bà Mẫn cười hiền hậu và thong thả trả lời: “Tôi đã mua và xây mộ sẵn tôi từ năm 2009 tận trên Hòa Bình, ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Vì tôi gần như mất gốc ở quê, nên khi chết con cháu không thể đưa về quê yên nghỉ được. Nếu không chuẩn bị trước thì dễ rơi vào tình huống bị động. Ở Thủ đô, nhiều nghĩa trang quá tải rồi. Khi còn sống, thấy được chỗ yên nghỉ của mình đã được chuẩn bị trước như vậy, tôi yên tâm lắm. Ban đầu nhiều người phản đối, họ nói rằng, chưa chết đã lo không có chỗ chôn. Chết chúng nói muốn khiêng đi đâu thì đi. Nhưng rồi họ thấy việc tôi làm rất hợp lý, nên đã ủng hộ, nhiều người cũng làm theo”.
Nói xong, bà Mẫn lấy chiếc Ipad của người cháu đi cùng, bảo mở ảnh để khoe với chúng tôi nơi “yên nghỉ” của bà. Vừa cho chúng tôi xem ảnh, bà vừa hào hứng miêu tả vị trí bà “nằm” là ở sát ngôi mộ của chồng bà. Bà cho rằng, làm như vậy rất ý nghĩa, vì lúc “diêm vương gọi tên” 2 vợ chồng bà lại được ở bên nhau.
Rảnh rỗi lại chở cả nhà đi thăm mộ xây sẵn cho gia đình
Từ câu chuyện của bà Mẫn, khiến chúng tôi nung nấu và muốn tìm hiểu thêm 1 vài nhân vật có cùng “chí hướng” với bà Mẫn để viết bài về trao lưu chuẩn bị mộ trước này.
Nhân vật tiếp theo chúng tôi tiếp xúc và trò chuyện đó là ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Đình – Hà Nội). Cũng với lý do đưa ra như bà Mẫn, Ông Sơn cho biết, hiện đã xây hoàn thiện xong toàn bộ mộ phần cho cả gia đình.
“Khu mộ của gia đình tôi có 8 ngôi, với diện tích 30m2, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi đã an nghỉ ở 1 ngôi giữa. Còn 7 ngôi còn lại là phần của tôi và những thành viên trong gia đình. Ban đầu vợ tôi và con cái tôi thấy cũng hơi lạ. Người ta thì lo mua nhà, mua đất, mua căn hộ cao cấp ở các chung cư cho con cháu, đằng này chưa chết đã đi lo mộ, các thành viên trong gia đình đã phản đối việc làm của tôi. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, mọi người nghe ra và đều ủng hộ và coi chuyện này là bình thường. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi chở cả nhà, con cháu nên thăm mộ ông nội và thăm luôn mộ của mình luôn (cười). Khu mộ tôi mua ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), cũng không xa lắm, khoảng 50km, cuối tuần đi dã ngoại cũng được” – ông Sơn chia sẻ.
Theo tìm hiểu, nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn – Hòa Bình), cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Nơi đây sở hữu 1 vị trí đắc địa dành cho người đã khuất khi tọa lạc trên 9 quả đồi mang hình dáng một con rùa khổng lồ đang bơi cùng 9 con suối tự nhiên, tượng trưng cho một đời người khi trở về nơi 9 suối.
Ngoài khung cảnh xanh mát, các dịch vụ mà Lạc Hồng Viên triển khai cũng thuyết phục được nhiều người như: Dịch vụ thủy táng, trang điểm cho người đã khuất, cúng giỗ online, làm lễ cầu siêu, vệ sinh mộ…
Sinh lão bệnh tử là quy luật, ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống, nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp. Việc phòng xa đất mai táng đối với chính mình, với người thân nhất là người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình. Và khi nhiều người làm được chuyện “đặt nhà” trước khi sang thế giới bên kia khiến họ cảm thấy an lòng và muốn thường xuyên đến thăm mộ phần của người thân họ hơn.