Chia sẻ:

‘Giúp việc’ cho người chết

Hòa Bình Công viên nghĩa trang có đến cả nghìn ngôi mộ, mỗi ngày chị Thêm và đồng nghiệp phải dọn dẹp, lau chùi, thắp hương cho mấy chục mộ, chẳng khác gì tiếp xúc với hàng chục người chết. Mới đầu nghe, chị hãi lắm.

Giúp việc cho người mất

Mỗi ngày, chị Thêm dọn dẹp cho 15-20 ngôi mộ đơn, với công việc tưới cây, nhổ cỏ, lau chùi bia mộ.

8h sáng, chị Bùi Thị Thêm 35 tuổi, ở thành phố Hòa Bình, đeo bao tay, cầm dụng cụ cắt tỉa đi về khu vực phần mộ đơn được phân công, bắt đầu dọn dẹp. Sau khi thắp hương xin phép, chị tiến hành lau chùi bia mộ, bát hương. Đây là năm thứ ba chị phụ trách công việc dọn dẹp mộ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Chị Thêm trước đây đi làm thuê dưới Hà Nội, công việc vất vả, xa nhà nhưng đồng lương không cao. Năm con vào lớp một, chị về quê, xin vào nghĩa trang làm công việc dọn dẹp. Lúc chưa làm, nghe công việc dọn mộ cho người đã khuất, chị Thêm sợ, tính xin việc khác.

“Công viên nghĩa trang này có đến cả nghìn ngôi mộ, mỗi ngày phải sắp xếp, dọn dẹp, lau chùi, thắp hương cho mấy chục phần mộ, chẳng khác gì tiếp xúc với mấy chục người chết, mới đầu nghe, tôi hãi lắm”, chị Thêm nhớ lại.

Chồng chị Thêm làm bảo vệ ở nghĩa trang nên sau vài lần đến thăm, tiếp xúc với mọi người tại đây, chị dần không còn cảm giác sợ hãi. Hơn nữa, quang cảnh ở Lạc Hồng Viên xanh tươi, như một khu công viên, không lạnh lẽo như nghĩa trang ngày xưa. Nhiều hôm nhà có việc hay ốm không đi làm được, chị Thêm lại thấy nhớ, lo không biết có ai dọn dẹp mộ hộ các cụ chưa.

Công việc chính của chị Thêm là lau chùi, cắt tỉa cây hoa trong khuôn viên từng phần mộ đơn. Trung bình mỗi ngày chị dọn dẹp cho từ 15 đến 20 ngôi mộ. Mùa đông trời lạnh, chị bắt đầu từ 8h, còn mùa hè nắng sớm hơn, 7h chị vào làm. Ngày nắng chị tưới cây, ngày mưa đi nhổ cỏ, cắt tỉa, cuối tuần lau bia mộ. Mỗi tháng chị được trả 7 triệu đồng.

Thâm niên hơn chị Thêm, bà Hoàng Thị Huyền, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, có 7 năm làm công việc chăm sóc các phần mộ tại Lạc Hồng Viên. Mỗi ngày bà rời nhà từ sớm bằng xe đạp, đến nghĩa trang bắt đầu công việc tưới cây, cắt tỉa hoa, cỏ lúc 7h, sau đó lau chùi cho từng phần mộ. Bà được phân công dọn dẹp phần mộ gia đình.

Cẩn thận nhổ cỏ dại mọc ven mộ, bà Huyền cười nói: “Chúng tôi cũng dọn dẹp như công việc của một giúp việc gia đình, chỉ khác là giúp việc cho người đã mất”.

Theo bà Huyền, mỗi công việc đều có những nguyên tắc riêng và nghề chăm sóc mộ cũng không ngoại lệ. Bà luôn thắp hương xin phép trước mỗi buổi dọn dẹp; tuyệt đối không lấy, hái hoa hay dùng đồ lễ của người này cúng cho người kia và không giẫm, ngồi lên mộ.

Giúp việc cho người mất - 2

Những hôm ốm không đi làm được, chị Thêm lại lo không biết có ai dọn giúp mộ các cụ chưa.

Với bà, đây là công việc tâm linh, luôn phải làm thật cẩn thận. Bà xem việc chăm sóc các ngôi mộ của khách hàng như chăm sóc cho chính phần mộ của người thân trong gia đình, không thể làm ẩu cho xong.

“Có những nhà bận không đến mộ gia tiên thường xuyên, hoặc những Việt kiều ở xa, 1-2 năm mới về, nhờ tôi chăm sóc giúp. Các phần mộ được dọn dẹp sạch đẹp khiến bản thân tôi cũng thấy vui, gia đình của họ ở xa cũng yên tâm”, bà Huyền tâm sự.

Ban đầu, bà Huyền chỉ làm công việc được giao. Việc chăm sóc mộ khiến lòng bà thanh thản, thậm chí khỏe và vui vẻ hơn. Nhiều lúc có chuyện buồn không tâm sự được với ai, bà vừa dọn dẹp vừa kể cho các cụ nghe.

“Chẳng biết các cụ có nghe được không nhưng lòng tôi thấy thư thái, thoải mái. Tôi có thể kể hết mọi chuyện buồn lo trong lòng mà ngày thường không chia sẻ với ai được”, bà Huyền nói, nhẹ nhàng lau di ảnh của người đã khuất.

Theo bà Huyền, ngày thường có khoảng 100 nhân viên phụ trách chăm sóc, lau chùi mộ. Mọi người được sắp xếp phụ trách những phần mộ khác nhau như mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình. Công việc được quay vòng từng ngày, hôm nay dọn dẹp phần mộ này, ngày mai sẽ chuyển qua phần mộ khác. Mọi người luân phiên cắt tỉa cây cỏ, lau chùi bia mộ.

Vào dịp lễ Tết, số lượng người dọn dẹp đông hơn, công việc của chị Thêm và bà Huyền cũng nhiều hơn. Tùy yêu cầu của từng nhà, các nhân viên như bà Huyền sẽ thắp hương, chuẩn bị lễ cúng, khấn bái hộ khách hàng.

“Ở đây có những phần mộ 1-2 năm không có người thân đến thăm, chăm sóc vì điều kiện ở xa không về được. Tôi nhổ cỏ, tưới nước, lau chùi hằng ngày, lâu dần có tình cảm, nhớ luôn cả ngày giỗ của họ”, bà Huyền chia sẻ.

Mỗi lần chăm sóc đến phần mộ của gia đình là nạn nhân vụ máy bay MH17, bà Huyền lại không khỏi xót xa. Trước khi bắt đầu buổi dọn dẹp, bà thường thắp hương xin phép.

Mỗi lần chăm sóc đến phần mộ của gia đình là nạn nhân vụ máy bay MH17 rơi, bà Huyền không khỏi xót xa.

Gắn bó với nghề “giúp việc” cho người chết nhiều năm, bà Huyền nắm rõ cả “nội tình” của từng ngôi mộ. Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện, có mộ của người nổi tiếng, của nghệ sĩ mà bà thường chỉ thấy xuất hiện trên phim. Trong số các phần mộ chăm sóc, bà quan tâm đến mộ của gia đình nạn nhân máy bay MH17. Chuyến bay MH17 của Malaysia Arlines bị bắn rơi tại Ukraine ngày 17/7/2014 khiến 298 người tử nạn, trong đó có ba mẹ con người Việt Nam.

Bà Huyền kể đấy là phần mộ của bốn người trong một gia đình, đều còn rất trẻ. Người bố được an táng ở Lạc Hồng Viên trước do bị tai nạn tàu lửa. Ba mẹ con sinh sống ở nước ngoài, trong một lần trên đường về giỗ bố thì gặp tai nạn máy bay, sau đó cũng được người thân đưa về an táng tại đây.

“Mới đầu phần mộ ba mẹ con không có thi hài, sau này khi gia đình tìm kiến, xét nghiệm AND mới đưa một phần nhỏ xương cốt về đây an táng. Chúng tôi mỗi lần thực hiện công việc lau chùi hay thắp hương cho gia đình họ đều cảm thấy rất thương tâm”, bà Huyền nói.

Ông Trần Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu, chủ đầu tư Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên – cho biết Lạc Hồng Viên có diện tích khoảng 165 ha, được xây dựng năm 2009, theo mô hình công viên nghĩa trang, với sự kết hợp của các công trình đền, chùa, sông, cây xanh. Các phần mộ được chia ra mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình (gia đình lớn, gia đình nhỏ) và mộ gia tộc.

Tất cả khu vực đều có bảo vệ, từng phần mộ có nhân viên chăm sóc dọn dẹp định kỳ. Khu vực phần mộ của khách hàng có dịch vụ thay người thân chăm sóc lâu dài theo nhu cầu.

“Chúng tôi có từ 300 đến 500 nhân viên túc trực dọn dẹp các phần mộ tùy từng thời điểm. Ngày lễ Tết sẽ nhiều nhân sự hơn, 100% các phần mộ ở đây được hưởng chế độ thay người thân chăm sóc, từ khuôn viên, cỏ cây, thắp hương vào mùng một, ngày rằm, lễ, Tết”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, ngoài dịch vụ dọn dẹp phần mộ thay người thân, khách hàng có thể yêu cầu làm giỗ, mâm cúng vào dịp Thanh Minh, Vu Lan, khi không có điều kiện về. Khách có thể đặt dịch vụ trực tuyến, qua đó nghĩa trang sẽ triển khai, gửi hình ảnh, phát trực tiếp cho khách hàng.

Theo ngoisao.net

Trigger Sidebar Cart0
×
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng. Go to Shop