Theo lịch âm dương, tiết Thanh Minh năm 2018 bắt đầu từ ngày 5.4 dương lịch (20.2 âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20.4 (5.3 âm lịch) khi tiết Cốc vũ bắt đầu. Vì vậy dịp cuối tuần này mặc dù chưa đến “Thanh minh trong tiết tháng Ba” nhưng nhiều người dân đã bắt đầu nô nức đi tảo mộ, nhớ về tổ tiên, cội nguồn.
Tiết Thanh minh với ý nghĩa nhắc nhở mọi người hướng về cội nguồn, về tổ tiên từ ngàn đời nay vẫn là nét đẹp văn hóa còn được giữ lại và phát huy. Năm nay thời tiết đẹp, nên dù chưa vào tháng 3 Âm lịch, nhiều gia đình đã đi tảo mộ.
Tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình), nơi được mệnh danh là nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á có rất nhiều gia đình từ Hà Nội lên để thắp hương, tảo mộ. Ngôi chùa Kim Sơn Lạc Hồng tại nghĩa trang cũng đón hàng trăm phật tử và đông người đến lễ viếng, cầu cho những người đã khuất được an yên.
Tiết Thanh minh là dịp con cháu các dòng họ quây quần tụ tập về một nhà rồi cùng nhau lên khu mộ của tổ tiên. Đây là một truyền thống tốt đẹp của đạo Phật.
Gia đình anh Nguyễn Phúc Hào (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng mẹ, vợ và con cháu đi viếng tổ tiên. Anh cho biết, năm nào cũng vậy vào dịp lễ Tiết Thanh minh, cả nhà lại chỉnh trang mộ phần, thắp nén nhang cho những người đã khuất trong gia đình.
Trẻ nhỏ cũng được người lớn đưa ra mộ cụ vái vọng, cầu mong tổ tiên nơi suối vàng được an yên.
“Đồ cúng không cầu kỳ, cao sang mà quan trọng là tấm lòng giữa người ở lại với người đã khuất. Tôi lên đây thắp nén nhang cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản với tâm của mình”, một người dân đi tảo mộ chia sẻ.
Dọc lối lên xuống nghĩa trang Lạc Hồng Viên, có thể gặp nhiều đoàn người của các gia đình cùng về đây để tảo mộ cho tổ tiên. Được chăm sóc cẩn thận nên cây cối xung quanh các phần mộ luôn xanh tốt, rợp bóng hoa lá.
Đây là dịp con cháu mang vàng mã, lễ vật tới thắp hương cho người đã khuất. Sau đó sẽ hóa vàng.
Tiết Thanh minh ở mỗi vùng miền có sự khác nhau, tuy nhiên vẫn mang một ý nghĩa chung là tưởng nhớ về người thân, tổ tiên ông bà của mình; là ngày để con cháu thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một truyền thống tốt đẹp từ xa xưa.
Cả gia đình cô Nguyễn Thị Tú đi tảo mộ, dọn dẹp nơi an nghỉ của người quá cố đồng thời thắp nén hương, thành khẩn, kính cẩn đứng trước vong linh người đã khuất.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, ngày Tiết Thanh Minh được xem là ngày giỗ chung cho tổ tiên của các gia đình, bao hàm nhiều ý nghĩa về cuội nguồn, gợi nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất. “Nhân ngày này con cháu có dịp tụ hội, quây quần về cùng nhau tới các phần mộ của các thân nhân của mình để tảo mộ”, đạo đức Thích Trí Thịnh nói thêm.
Theo danviet.vn