(VTC News) – Website của một số dự án bất động sản được nhiều người quan tâm thời gian gần đây đã bị nhái lại bởi một số tên miền na ná giống nhau nhằm câu khách.
Dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) hiện tại có website chính thức là lachongvien.vn, nhưng hiện nay trên mạng xuất hiện 1 website khác là lachongvien.net.vn có hình ảnh và tên miền na ná giống với website chính thức của dự án Lạc Hồng Viên. Thoạt nhìn qua tên miền này, nhiều khách hàng đều cho rằng là đó đều là website của cùng 1 một dự án.
Mới đây, nhiều khách hàng tìm mua dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) đã không khỏi bức xúc khi gọi điện đến 1 website có tên miền là Lạc Hồng Viên nhưng nhân viên lại giới thiệu một dự án đất nghĩa trang khác.
Anh Mạnh, một khách hàng cho biết, cuối năm anh có nhu cầu tặng bố mẹ một suất mộ đôi, nhưng khi lên google tìm kiếm dự án Lạc Hồng Viên thì hiện ra một tên miền là lachongvien.net.vn. Tưởng đây là website của dự án này nên anh Mạnh đã không ngần ngại gọi điện thoại đến số điện thoại hotline trên website này. Tuy nhiên, anh rất ngạc nhiên khi nhân viên kinh doanh này nói không bán dự án Lạc Hồng Viên, mà bán một dự án khác. Nhìn kỹ lại website này thì đúng là tên của một dự án ở Phú Thọ, nhưng giao diện khá giống với website chính thức của dự án Lạc Hồng Viên là lachongvien.com.
“Tôi không hiểu vì sao, website này bán dự án khác, nhưng lại lấy tên miền của Lạc Hồng Viên. Phải chăng chủ của website này muốn tạo hiểu lầm để lấy khách mua dự án Lạc Hồng Viên sang mua dự án của mình?”, anh Mạnh nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, website này giới thiệu về dự án công vên nghĩa trang ở Phú Thọ của công ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Thiên Đức. Tất cả các số điện thoại hotline để liên hệ tìm hiểu về dự án trên website đều khẳng định với phóng viên báo điện tử VTC News là nhân viên chính thức của Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Thiên Đức.
Liên hệ với đại diện của công ty này thì chúng tôi được biết, “website lachongvien.net.vn, là trang web của 1 nhân viên cũ trước đây của công ty, hiện nay nhân viên này không còn làm việc tại công ty nữa”.
Điều đáng nói, dù nhân viên này đã nghỉ việc nhưng website này vẫn hoạt động bình thường và các số điện thoại liên hệ trên website vẫn khẳng định hiện đang là nhân viên chính thức của công ty Thiên Đức.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Một website sử dụng tên tuổi, địa chỉ, thương hiệu của Thiên Đức bán hàng trong suốt một thời gian dài mà công ty không hề biết, vậy có hợp lý không?”, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc – đại diện của Thiên Đức trả lời: “Chúng tôi không thể kiểm soát hết được!”
Còn theo ông Trần Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng và Thương Mại Toàn Cầu, website chính thức của dự án Lạc Hồng Viên là lachongvien.com.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian gần đây nhiều khách hàng có gọi điện đến công ty ông để hỏi về việc vào website có tên Lạc Hồng Viên nhưng lại ra một dự án khác, khiến họ băn khoăn không biết website nào là website chính thức của dự án.
“Tôi không biết ai là chủ nhân thực sự của website “mạo danh” kia, nhưng cùng một phân khúc đất nghĩa trang, lập trang web có tên miền na ná giống tên miền của dự án chúng tôi đã khiến nhiều khách hàng cảm thấy bị nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của dự án”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn Anh, gây dựng nên thương hiệu của doanh nghiệp là cả quá trình dài và vất vả. Vì thế, việc sử dụng tên miền na ná với tên miền của 1 dự án đã gây dựng được niềm tin của khách hàng là hành vi “không lành mạnh”.
Tới đây, công ty ông sẽ gửi đơn lên Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội để làm rõ về website “nhái hàng” này.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc lập website nhằm quảng bá dự án là chuyện bình thường. Nhưng cũng vì thế tên website thường là tên dự án để khách hàng dễ tìm kiếm và tăng uy tín cho thương hiệu sản phẩm.
Việc những website đặt tên “dựa hơi” theo những dự án đã có thương hiệu là cách làm ăn không lành mạnh và vi phạm đạo đức kinh doanh.
“Những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ tự gây dựng thương hiệu sản phẩm cho mình bằng uy tín và chất lượng. Chỉ có sản phẩm tốt mới được người sử dụng tin dùng”, ông Võ nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp nhái thương hiệu của nhau, nhằm gây nên sự nhầm lẫn để “câu khách”. Điều này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể kể đến trường hợp của công ty Eurowindow, dù đã xây dựng thương hiệu của mình trong suốt thời gian dài, nhưng sau đó, hàng loạt công ty khác cũng chuyên cung cấp cửa ra đời và nhái theo thương hiệu này với những cái tên nhãn hiệu có đuôi là “window”.
Có những công ty đã cố ý tạo ra sự giống nhau. Chánh thanh tra Bộ khoa học và công nghệ đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần cửa châu Âu về việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với việc sử dụng dấu hiệu “Euwindow, hình” trên biển hiệu, trên catalog, trên card visit, trên website, trên bảng báo giá và trên các phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo của Công ty cổ phần cửa châu Âu vì có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Euwindow, hình” là một trong những nhãn hiệu đã được Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (với thương hiệu chính là Eurowindow) đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngoài việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Euwindow, hình”, công ty Cổ phần cửa châu Âu còn sử dụng tên thương mại gần giống với tên thương mại của Công ty Cổ phần cửa sổ nhựa châu Âu, thậm chí không đi đăng ký nhãn hiệu nhưng vẫn sử dụng dấu hiệu “®” trên nhãn hiệu “Euwindow” và khi được hỏi đến doanh nghiệp này vẫn hồn nhiên trả lời là do thiếu hiểu biết. Đây là một việc làm cố ý “ăn theo” nhằm gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hay một vụ kiện dân sự khác về thương hiệu cũng gây xôn xao thị trường bất động hồi năm 2010 là vụ kiện của Công ty Cổ phần Vincom đối với Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon vì hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại là một ví dụ điển hình.
Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Vincon đã có hành vi sử dụng dấu hiệu “Vincon” trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty này tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vincom” đang được bảo hộ tại Việt Nam của Vincom.
Xây dựng thương hiệu là tâm huyết, công sức lao động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc kiểm tra và xử lý nghiêm khác các vụ việc này là hết sức cần thiết để thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc xây dựng thành công một thương hiệu bằng uy tín với khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.
Xem thêm:
Dự án bị nhái tên khiến người mua sập bẫy lừa
Những mánh khoé “chơi bẩn” đối thủ mới trên thương trường
Công ty Thiên Đức bị tố xâm phạm quyền nhãn hiệu “Lạc Hồng Viên”
Nhãn hiệu Công viên Nghĩa trang “Lạc Hồng Viên” bị “lập lờ đánh lận con đen”
Nhiều người tiêu dùng “sập bẫy” với chiêu trò “nhái” thương hiệu
Nguy cơ doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên đạo đức kinh doanh