Nhiều người mắt nghẹn ngào trong lễ “bông hồng cài áo” Vu lan báo hiếu
Nhiều người không khỏi nghẹn ngào khi nghe giảng về công ơn sinh thành, dưỡng dục của đấng sinh thành trong Lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Kim Sơn – Lạc Hồng.
Cứ mỗi mùa Vu Lan về, bất cứ ai cũng không khỏi xao xuyến bồi hồi khi nghe giảng về công ơn sinh thành, dưỡng dục của đấng sinh thành. Công ơn được ví như trời biển ấy trong khoảnh khắc nghe nhà chùa giảng về đạo lý làm con, công ơn của cha mẹ ít ai có thể cầm được nước mắt…
Đêm ngày 26/8 (tức 5/7 âm lịch) tại chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (nằm trong khuôn viên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên-Kỳ Sơn – Hòa Bình) đã diễn ra lễ Vu Lan báo hiếu sớm. Đây là một trong những lễ lớn nhất trong tháng 7 âm lịch đối với Phật giáo nhằm giúp người dân hiểu và nhớ ơn đến cha mẹ, đấng sinh thành dưỡng dục.
Tâm điểm của lễ Vu Lan báo hiếu là nghi thức “bông hồng cài áo”. Theo quy ước từ Đạo phật, những ai còn mẹ vui sướng khi được cài lên ngực bông hồng màu đỏ, những ai mất cha hoặc mẹ cài bông hồng màu hồng, những ai mất cả cha lẫn mẹ cài bông hồng màu trắng.
Thật may mắn cho những ai được vinh hạnh cài lên ngực bông hồng màu đỏ và tự nhủ rằng mai này cha mẹ rồi cũng mất đi thế nên hãy trân trọng và chăm lo mẹ già thật chu đáo để đền đáp công ơn sinh thành – dưỡng dục.
Dù ở tuổi thất thập cổ lai hi nhưng những hình ảnh của cha mẹ đối với những người già vẫn dường như nguyên vẹn.
Giây phút thiêng liêng khiến những bậc làm con nghẹn ngào khi cài lên ngực bông hồng.
Trẻ nhỏ vui sướng khi được cài lên ngực bông hồng màu đỏ. Nói về điều này, bà nội cháu bé cho biết:”Có lẽ đứa cháu chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng mỗi mùa Vu Lan đến là tôi cho các cháu tham dự để hiểu hơn về công ơn của cha mẹ “.
2 mẹ con rạng ngời khi được cài lên ngực bông hồng màu đỏ. Chị cho biết, cứ mỗi mùa Vu Lan về lại tham dự chương trình để hiểu và biết ơn cha mẹ nhiều hơn.
Ai cũng chăm chú lắng nghe, cũng chăm chú nghe giảng về những gì cha mẹ đã làm cho con cái, suốt đời hi sinh về con cái…
Những giọt nước mắt của người phụ nữ đã đứng tuổi, có thể cha mẹ đã lìa xa cõi trần nhưng tình yêu thương, hơi ấm dường như vẫn còn đó…
“Trẻ nhỏ có thể chưa hiểu hết về công ơn cha mẹ nhưng những buổi giảng như thế này sẽ khiến chúng ít nhiều được biết và hy vọng mai này lớn lên những đứa trẻ sẽ sống tốt hơn với cha mẹ mình”.
Sau nghi thức lễ bông hồng cài áo là nghi thức thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho Quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.
Ai cũng mong bình an, may mắn và hạnh phúc và giây phút thả đèn hoa đăng với nhiều người vô cùng thiêng liêng.
Một người phụ nữ khấn cầu mong muốn bình an, may mắn và hạnh phúc đến với đại gia đình.
Quãng đường từ chùa Kim Sơn – Lạc Hồng đến khu vực thả đèn hoa đăng dài gần 1km, lúc này khoảng 3 nghìn người tham dự lễ cùng kéo xuống khiến bất cứ ai cũng choáng ngợp.
Mỗi người đều lựa cho mình một ngọn đèn hoa đăng di chuyển xuống khu vực hồ.
Dù đông đúc, khu vực thả đèn hoa đăng bé nhưng người dân vẫn giữ trật tự, không chen chúc, xô đẩy.
Với những người trẻ thì thời khắc thả đèn hoa đăng cầu mong cho cha mẹ, ông bà và người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.
Đây là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt trong mùa Vu lan báo hiếu mỗi năm.
Theo afamily.vn