Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, là ngày báo hiếu, còn gọi là lễ trung ngươn. Trong một năm chia làm ba ngươn. Ngươn thứ nhất là rằm tháng giêng tức thượng ngươn. Ngươn thứ hai là rằm tháng bảy tức trung ngươn. Ngươn cuối cùng là hạ ngươn tức rằm tháng mười. Hầu hết Phật tử Việt Nam chúng ta đến những ngày ấy đều về chùa lạy Phật, nghe kinh, ăn cơm chay.
Tại sao gọi ngày trung ngươn là ngày báo hiếu? Bởi vì rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Trong ngày này chư Phật đồng hoan hỷ, mười phương tăng chúng hội tụ về. Nương oai thần nguyện lực của Phật và chư Tăng, chúng ta nguyện cầu cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc sống thì an lạc, luôn quay về quy y Tam Bảo; chết được siêu thăng về cảnh giới lành, đời đời gặp Phật pháp.
Trong kinh Phật có nói rằng: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”, dù tu đạo nào, dù có học hay không học, hiếu là gốc, hiếu là trên trước, hiếu là tất cả. Là con người thì phải tròn đạo hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Trong tất cả các ân nghĩa, có thể nói lớn lao nhất là ân nghĩa cha mẹ.
Trong kinh có câu: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”, nghĩa là: “Cha sinh ta, mẹ nuôi ta, ôi thôi cha mẹ sinh ta cực nhọc, muốn đền đáp ân đức của cha mẹ như với lên trời chẳng cùng”. Công ơn của cha mẹ thật cao dày, chúng ta muốn đền trả, không thể nào đền trả cho hết được. Rõ ràng mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lớn lên, nên danh nên phận trong xã hội, nếu không có cha mẹ nuôi dưỡng, lo lắng, chuẩn bị cho cuộc đời của chúng ta thì làm sao có được ngày hôm nay, làm sao có thể thành tựu được những gì quí báu trong đời. Có những người lâm vào hoàn cảnh bất hạnh không được sự chăm sóc, nuôi nấng của cha mẹ. Những người này thường ôm lòng oán hận đối với xã hội, đối với mọi người. Do đó gia giáo là điều hết sức quan trọng. Đây chính là phần trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với chúng ta.
Làm một con người trưởng thành trong hoàn cảnh cha mẹ đầy đủ, gia đình tương đối có phương tiện cho chúng ta học hành, đi đây đi đó để mở rộng tầm nhìn, để hiểu biết và xây dựng cuộc đời, như thế là hạnh phúc lắm. Trong xã hội có rất nhiều người mong một chút tình thương của cha, của mẹ, đôi khi không được. Ví dụ như bản thân tôi, sinh ra ba, bốn tuổi thì cha mất. Bây giờ liên tưởng đến cha qua lời diễn tả của bà con chung quanh, chứ tôi chưa hề biết mặt cha tôi như thế nào. Do đó những kinh nghiệm quý báu của cha, những gì tốt đẹp trong dòng tộc của mình chưa được cha truyền lại. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều có truyền thống đặc biệt của dòng họ, của gia đình đó. Làm con trong một gia đình, trong một dòng tộc nào thì nhất định chúng ta được thừa hưởng những truyền thống đặc biệt của dòng họ ấy. Riêng tôi thì chưa được thừa hưởng di sản đó, nhưng nhờ đủ phước duyên gặp Phật pháp, có thầy, có bạn nên cũng vơi bớt phần buồn tủi.
Có nhiều người bất hạnh, mất đi tình thương cao quí ấy và bị lạc lõng giữa cuộc đời; không gặp Phật pháp, thiếu học thức và các duyên tốt. Những người này tâm hồn, cuộc sống thường chìm trong tăm tối. Do đó dễ dẫn đến trường hợp họ có hành động và suy nghĩ sai lầm. Đây là điều quan trọng trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Phật giáo chú trọng phương diện giác ngộ giải thoát, nhưng về mặt thế sự, những quan hệ trong cộng đồng xã hội, Phật giáo không dạy người ta chạy trốn cuộc đời . Người Phật tử là người quyết tâm học hiểu và sống đời sống đạo hạnh chân chính. Đồng thời là một con người có đầy đủ cung cách để đóng góp, xây dựng một xã hội tốt. Do đó, người Phật tử Việt Nam phải là người biết ơn cha mẹ. Và đã biết ơn thì phải đền ơn.
Sách xưa có dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Nghĩa là nếu chúng ta sinh ra trong đời không có Phật thì chính cha mẹ hiện đời chúng ta là Phật. Câu nói này nhằm nhắc nhở chúng ta, đừng xem thường đấng sanh thành và đừng quên ơn sâu dày đối với song thân. Người không có điều kiện học hiểu Phật pháp, mà ở trong gia đình là một người con hiếu kính cha mẹ như Phật thì người đó đã tu theo tinh thần của đạo Phật rồi.
Nhiều người cho rằng theo đạo Phật là không hiếu hạnh. Tại sao? Bởi vì họ thấy có những người đi tu, cha mẹ, bà con xóm làng thương không muốn cho đi mà những vị ấy quyết tâm đi, làm cho cha mẹ, xóm làng đau buồn. Như vậy người ấy không nghe lời
cha mẹ, làm buồn lòng cha mẹ nên họ kết luận người ấy bất hiếu. Từ đó họ cho rằng người đi tu không giữ hiếu đạo. Điều này chỉ đúng trong một giai đoạn thôi. Bởi vì người tu thì có những việc làm của người tu. Nếu người đi tu làm tròn bổn phận trách nhiệm của người tu thì người đó có thể gọi là thực hiện trọn vẹn được hiếu đạo. Trái lại nếu ở tại đời, luôn bên cạnh cha mẹ mà không nghe lời cha mẹ, không cung kính, bảo bọc, phụng dưỡng cha mẹ thì người đó không làm tròn bổn phận hiếu đạo của một người con. Vì vậy trong đạo có những tấm gương hiếu để đáng quý mà hôm nay chúng tôi nêu lên cho Phật tử noi theo.
Như chúng ta biết, Tôn giả Mục Kiền Liên là một vị đại đệ tử của Phật. Nhưng mẹ Ngài không tin kính Tam Bảo, không tin nhân quả nên bà gây quá nhiều nghiệp ác. Vì vậy khi qua đời bà bị đọa vào thế giới ngạ quỷ. Thế giới của ngạ quỷ rất khổ sở, đói khát. Tôn giả Mục Kiền Liên là người tu hành đắc đạo, có thần thông. Ngài dùng thần thông đi khắp nơi tìm mẹ. Khi thấy mẹ sinh trong loài quỷ đói, đang bị hành hình, rên xiết, Ngài khổ đau vô cùng. Ngài vội đem dâng cho mẹ một bát cơm. “Mẹ ơi! Cơm đây mẹ hãy dùng”. Bà nghe con kêu và đưa cơm đến thì mừng quá, tay nhận bát cơm, tay bốc lấy mà ăn. Nhưng do lòng tham lam, xấu ác nên thức ăn biến thành lửa, thành than. Lại thêm một đau khổ nữa cho Mục Kiền Liên. Thấy mẹ khổ đau đói khát, mà cơm dâng thì không dùng được. Ngài chỉ còn cách là trở về trình với đức Thế Tôn, mong Phật từ bi chỉ cho phương thức để cứu mẹ. Đức Thế Tôn thương xót chỉ bày nhân ngày Tự Tứ, chư Tăng đồng tụ hội, nên sắm lễ trai tăng dâng lên cúng dường. Nhờ sức gia trì của thập phương tăng, chuyển hóa lòng tham lam keo xẻn của bà, bà liền được thoát khỏi loài ngạ quỷ, thác sanh về cõi trời. Nhờ thế, Tôn giả cứu được mẹ.
Từ đó, ngày rằm tháng bảy, chư Tăng Ni, Phật tử thường tổ chức lễ Vu Lan, là lễ cứu mẹ. Nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ công đức chú nguyện của mười phương chư Tăng tu hành đắc đạo, hồi hướng về cho thân bằng quyến thuộc của mình. Vì vậy nghi thức cúng dường trong ngày lễ này không mang tính chất mê tín dị đoan, mà nó có ý nghĩa riêng từ một sự kiện lịch sử.
Cho nên việc cứu rỗi trong đạo Phật không thể xem như chuyện thần quyền. Ở đây, cốt nhờ sức chú nguyện của chư Tăng nên chuyển hóa, khai mở được tâm tư cho người chịu khổ. Nhờ thế họ thoát khổ, được an vui. Lễ Vu Lan vì thế mang một ý nghĩa rất lớn. Nhất là phương thức đền trả công ơn dưỡng dục sanh thành của cha mẹ.
Trên tinh thần ấy, một người con hiếu đạo, hiểu Phật pháp thì đối với cha mẹ, chúng ta phải làm sao hướng dẫn cho cha mẹ biết tu tạo những công đức lành, kính Tam Bảo, tin nhân quả. Tin kính Tam Bảo tức là tin kính Phật, tin kính giáo Pháp của Phật và tin kính đoàn thể Tăng thanh tịnh, đệ tử của Phật. Tin nhân quả là tin như thế này: Nếu gây nên những nhân không tốt, làm khổ cho người, thì nhân ấy sẽ đưa đến hậu quả khổ đau.
Là người Phật tử, tin và từng bước áp dụng Phật pháp trong cuộc sống của mình, thì sẽ được sự sáng suốt. Khi nghĩ, nói và làm việc gì mà biết rằng điều mình nghĩ, lời mình nói, việc mình làm, gây tổn hại, sẽ đưa đến những hậu quả không tốt, thì không bao giờ chúng ta làm. Đó là một cách tu. Rồi chúng ta tìm cách gần gũi, giải thích cho người thân của mình, khuyến khích họ cũng tu như vậy. Việc làm dù nhỏ nhưng tạo được duyên tốt, giúp đỡ những người thân của mình như cha mẹ, anh em, bà con v.v… đi theo chánh đạo, thì có một giá trị tinh thần rất lớn.
Vì vậy Phật tử nào đã đi chùa, đã qui y Tam Bảo, biết tu tạo những công đức lành thì cần phải kiểm xét lại trong gia đình, cha mẹ, anh em v.v… đã làm được những việc đó chưa. Nếu người thân của mình còn xem thường, chưa làm được những việc đó thì chúng ta cố gắng khuyến khích, giúp đỡ, tạo những điều kiện thuận lợi để cho quyến thuộc, nhất là cha mẹ cùng hướng đến, cùng làm, cùng tu tập những việc tốt đẹp như vậy. Đồng thời trong sinh hoạt của gia đình, chúng ta phải khéo xây dựng, sắp đặt để cha mẹ, anh chị em sống đời hòa thuận, hạnh phúc. Đó là chúng ta biết áp dụng đạo lý sống của Phật giáo trong chính gia đình mình. Từ đó dần dần cha mẹ, những người thân tin kính và cùng hướng theo việc làm tốt đẹp trong chánh pháp. Nên gia đình trở thành gia đình thuần đạo, áp dụng được tinh thần Phật dạy trong đời sống.
Chúng ta trả ơn bằng cách là làm những điều tốt, khuyến khích người thân làm điều tốt. Như vậy mình vừa tu được, vừa giúp người thân cũng tu được. Nên nhớ nếu chỉ nói suông, khuyến dụ người làm mà mình làm không ra gì thì việc khuyến dụ không có kết quả.
Kế nữa, tùy theo hoàn cảnh, mà vấn đề phụng dưỡng cha mẹ phải được thực hiện trọn vẹn. Chúng ta khéo léo sắp xếp để có thể giúp đỡ, phụng dưỡng, lo cho cha mẹ yên ổn, no ấm, giúp cha mẹ có phương tiện tiêu dùng trong cuộc sống mà không phải mặc cảm tuổi già sức yếu. Đây là một việc làm thường nhưng cũng rất khó. Bởi vì người ta thường nói: “Hễ con trai lớn lên thì nó chỉ lo cho gia đình của nó”, tức là thương và lo cho bên vợ. “Con gái lớn lên thì nó chỉ lo cho gia đình của nó”, tức là thương và lo cho bên chồng, lo cho con cái. Mà đã như vậy rồi thì làm sao có thì giờ, có phương tiện để lo lắng cho cha mẹ ruột của mình.
Về điểm này, Phật tử chúng ta phải thật khéo. Hẳn nhiên khi có gia đình thì phải có bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình. Song phần hiếu đạo đối với cha mẹ, đối với tất cả những người mình thọ ân cũng không thể bỏ quên, không thể xem thường được. Nên vừa thực hiện bổn phận đối với gia đình, đồng thời cũng phải làm tròn đạo hiếu. Người Phật tử áp dụng được như vậy là người Phật tử tốt. Người đó có thể đem được tinh thần Phật pháp phổ hóa trong cuộc đời này. Sống và áp dụng được như vậy thì từ con người, từ gia đình sẽ có những ảnh hưởng tốt đối với xã hội. Dù mình không nói một lời nào hết mà mọi người vẫn bắt chước, học và làm theo gia đình mình. Được vậy thì người con Phật có thể báo đáp phần nào ân nghĩa sanh thành đối với cha mẹ qua hai dạng tinh thần và vật chất.
Người Phật tử còn phải có tâm chân thành, đời sống ngay thẳng, mọi sinh hoạt đều sáng suốt, nói làm như nhau. Thực hiện đạo hiếu cũng phải bằng tâm chân thành.
Tâm thành là sao? Ví dụ như mỗi ngày chúng ta có món ngon vật lạ gì để dâng cho cha mẹ, nếu là lòng thành thì một chén cơm, một bát nước hay một vật dụng gì thường thôi, ta cũng làm cho cha mẹ vui lòng. Đó là điều cần thiết. Người con Phật chúng ta luôn sống và làm những điều chân thật. Từ đó việc giáo dục con cái của chúng ta dễ dàng, không khó khăn. Nếu làm điều gì mà trong đó có sự ẩn khuất, tăm tối, hay do bức bách thì e rằng việc làm đó không đưa tới kết quả tốt đẹp. Cho nên chúng ta luôn sống đúng với tinh thần của đạo Phật là phải sáng suốt và chân thành.
Người Phật tử luôn khép mình trong nếp đạo đức và phẩm hạnh cao siêu vì vậy có được nhiều hạnh phúc. Tiếng Pali có từ Susukham, nghĩa là: Quả là hạnh phúc !. Bởi vì chúng ta có duyên với đạo Phật, áp dụng được đạo Phật, nên chúng ta là những thành viên trong giáo đoàn của Phật. Mà đây là một đoàn thể có cuộc sống cao thượng, thanh khiết, tập thể của những người sống có hạnh phúc, với tinh thần sáng suốt, chân thật và tốt đẹp.
Phật tử chúng ta phải tâm niệm rằng: Nếu đời sống sinh hoạt của chúng ta trái với sự chân thật, trái với hiếu đạo, trái với những gì tốt đẹp mà các bậc Hiền Thánh đã chỉ dạy thì thà mất mạng chứ không đánh mất những đức hạnh đó. Bởi vì đó là niềm hạnh phúc cao quí nhất của người Phật tử chúng ta. Tại vì nếu không gặp chánh pháp của Phật, không áp dụng được chánh pháp trong đời sống, thì chúng ta không thể tìm được hạnh phúc chân thật.
Tinh thần nhà thiền cũng nhấn mạnh là đừng bao giờ chạy tìm cái bên ngoài, bởi vì tất cả những cái ấy là giả tạm, không phải thật, không phải của mình. Những gì của mình mới chân thật, sáng suốt. Trí tuệ, tình thương, hiếu đạo… là những cái chân thật.
Mọi người ai ai cũng có sẵn hết. Vì vậy chúng ta khỏi phải chạy tìm ở đâu xa mà hãy ngay đây ta nghiệm lấy. Nhận và sống được như thế thì đời sống của chúng ta là đời sống hạnh phúc. Đây là nguồn hạnh phúc chân chính, tốt nhất, cao thượng nhất mà không thứ hạnh phúc nào có thể bì được.
Có câu chuyện như thế này: Một vị thiên tử đến thưa với Phật: Những vị tu sĩ ở nơi thâm sơn cùng cốc, ngày ăn một lần, tu hành khắc khổ nhưng tại sao nét mặt những vị ấy luôn tươi tỉnh, sáng suốt, thật hạnh phúc?
Phật đáp: “Người nào không than van, sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nảy khao khát những chuyện chưa đến mà chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại và thực hiện tinh thần hiếu đạo, áp dụng được những phương thức sáng suốt, thì có đời sống chân thật, nói và làm hợp nhau”.
Điều đức Phật chỉ cho vị thiên tử này chính là điều giúp cho chúng ta tăng trưởng hạnh phúc. Bởi vì có khi chúng ta suy nghĩ, toan tính việc nọ, việc kia mà lại bỏ quên việc hiện tại. Trách nhiệm, bổn phận hiện tại thì quên đi hoặc xem thường, cứ ngồi đó toan tính việc trước việc sau. Nếu cứ toan tính ngược xuôi như vậy thì bản thân chúng ta mất đi hạnh phúc và sẽ không thực hiện được những gì cần thiết trong đời sống của mình. Bởi vì đánh mất hiện tại là đánh mất hạnh phúc hiện tiền.
Những phúc duyên tốt ngay bây giờ chúng ta có thể hưởng được, thì lại đánh mất đi. Bởi mất đi nên cứ kêu cầu hạnh phúc mà không bao giờ có hạnh phúc. Phải thấy được hạnh phúc là đây, bây giờ. Bình tĩnh xét lại những việc gì đáng làm ngay hôm nay thì làm. Cha mẹ già cần phụng dưỡng thì ta phụng dưỡng. Người thân cần giúp đỡ thì ta giúp đỡ. Cố gắng thực hiện cho được trọn vẹn như vậy mới là người thiết thực.
Có thể làm việc gì trong khả năng của mình thì cứ làm. Đốt dâng Phật một nén hương, dâng cha mẹ một chén cơm, giúp người nghèo khó một đồng bạc, một bát nước v.v… thì nên làm liền, đừng đợi, đừng hứa hẹn gì cả. Đó là tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật.
Kế đây tôi nhắc lại câu chuyện đức Phật. Đức Phật sinh ra ở thành Ca-tỳ-la-vệ, phụ vương là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da. Sau khi sinh Thái tử được bảy ngày thì bà quá vãng. Nhờ công đức lành bà được sinh lên thiên giới. Như chúng ta biết, sau khi thành đạo rồi, đức Phật liền nghĩ đến những người cùng tu, đã giúp đỡ mình trong lúc gian khó. Ngài tìm đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp độ năm anh em ông Kiều Trần Như . Thời gian không lâu, Ngài trở về thành Ca-tỳ-la-vệ thăm vua cha. Trong lần thăm đầu tiên, Ngài khuyến hóa được rất nhiều Vương tôn Công tử trong dòng họ phát tâm tu hành. Ngài còn tìm cách giúp đỡ cho dân chúng trong thành Ca-tỳ-la-vệ kính tin Tam Bảo, tin sâu nhân quả. Đó là việc đầu tiên của Ngài đối với thân tộc.
Khi vua Tịnh Phạn bệnh yếu, Ngài lại về thăm và an ủi vua cha, thuyết pháp cho vua nghe. Sau thời pháp ấy nhà vua chứng quả A-na-hàm rồi băng hà. Lúc ấy, đích thân Ngài sắp đặt việc tang lễ tống táng vua cha. Có sách còn ghi lại Ngài đã kê vai khiêng
kim quan cùng tất cả hoàng thân. Có người cho rằng ngài là một vị Phật, cần gì phải làm những việc đó. Nhưng thật ra Ngài làm như thế là một cung cách gương mẫu cho tất cả những người con đối với cha mẹ, đối với gia tộc.
Như vậy để thấy vị giáo chủ của chúng ta cũng có nghĩa tình thâm trọng như bao con người. Ngài có cha, có mẹ, có quê hương, thân tộc, và Ngài đã làm tròn bổn phận. Tu hành thành đạo, đem giáo lý khuyến hóa dẫn dắt những người thân của mình hướng theo con đường tốt đẹp.
Vào một mùa hạ, Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho vị thiên tử tiền thân là hoàng hậu Ma Da, giúp cho bà thành tựu được Thánh đạo. Lịch sử kể lại, qua ba tháng an cư trên thiên giới, đức Phật đã thuyết pháp không những độ mẹ mà còn giúp cho hầu hết những vị có liên hệ với Ngài ở trên thiên giới nghe pháp và thành tựu Thánh đạo.
Đức Phật đã là tấm gương để chúng ta noi theo. Là người con Phật, nhất định chúng ta phải làm tròn hiếu đạo. Không vì hoàn cảnh hay lý do gì chi phối khiến cho chúng ta không làm tròn đạo hiếu, thực hiện được nhiệm vụ của chúng ta.
Trong kinh kể lại: Một hôm trên đường đi thuyết pháp, đức Phật gặp hai vợ chồng Bà La Môn nọ. Vừa thấy Phật, hai vị chạy tới ôm Phật, khóc lóc kêu than: “Con ơi! Sao con bỏ cha mẹ đi đâu lâu quá, cha mẹ nhớ thương con, tới nay mới được gặp”. Hàng đệ tử chung quanh thấy lạ, đức Thế Tôn là một vị Phật mà bỗng nhiên hai ông bà này tới ôm, than khóc và gọi là con, quả là điều phi lý. Chúng tăng định kéo hai vị Bà La Môn này ra nhưng Phật không cho, Ngài bảo: “Hãy để cho họ tự nhiên”. Và nhân đó Phật kể: Trong những kiếp xa xưa, hai vị này từng là cha mẹ của ta, ta từng là con của hai vị. Nên hôm nay duyên xưa hiện lại, các ông cứ để họ tự nhiên kể lể nỗi niềm, cho dòng nước mắt của họ chảy tuôn để vơi đi những cảm xúc.
Rõ ràng trong nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta có quan hệ tình thân với nhau. Do đó, đôi khi vừa gặp nhau mình liền có cảm tình. Cảm tình ấy là gì? Tức là những dây mơ, rễ má trong nhiều đời, bắt nguồn trong tình thương, trong huyết thống, từ thuở quá khứ. Chỉ có khác là thay hình đổi dạng, rồi vì không biết nên ta quên đi.
Đức Phật đã từng nói: Trong đại địa này, lấy một mũi kim cắm xuống đất, không có chỗ nào mà không đụng tới thân của Ngài. Để thấy chúng ta bị luân hồi sanh tử, không biết bao nhiêu đời. Sanh nơi này, mất nơi kia. Nếu nhìn bằng con mắt tuệ, chúng ta sẽ thấy sự liên hệ huyết thống giữa con người với con người, vay trả nợ nần, ngược xuôi lên xuống… Nay gặp nhau là do nhân duyên chằng chịt nhiều kiếp.
Vì vậy theo tinh thần của đạo Phật, chúng ta phải xem tất cả mọi người chung quanh mình, lớn hơn ta là cha mẹ ta, ngang bằng ta là anh em ta, nhỏ hơn ta là con cháu ta. Có nghĩa ai cũng là người thân của ta hết. Mà đã là người thân thì không có quyền thương người này, bỏ người kia, nghĩ xấu hay đối xử không tốt với người thân của mình. Vì như vậy là bất hiếu, bất nghĩa đối với cha mẹ, quyến thuộc rồi. Người Phật tử phải là người giữ đạo hiếu chứ không phải người bất hiếu. Nếu là người bất hiếu thì không xứng đáng là người Phật tử. Người giữ đạo hiếu thì đối với tất cả chúng sanh đều thương yêu bình đẳng, không phân biệt thân sơ. Như vậy là áp dụng đúng tinh thần đạo Phật trong đời sống của mình.
Qua đó, chúng ta thấy trong nhà Phật nói đến hiếu đạo là nói đến một bài kinh, một phương pháp sống, nói đến huyết mạch của chúng ta. Đạo hiếu thành tựu thì chúng ta có thể thành tựu tất cả những phương pháp tu hành khác. Đạo hiếu không thành tựu, mà muốn thành tựu những phương pháp tu hành khác như thành Phật, thành Tổ thì điều này giống như nấu cát muốn thành cơm vậy.
Trong nhà thiền có câu chuyện này:
Tổ Hoằng Nhẫn là một vị Tổ phước tướng đặc biệt. Nhân duyên ra đời của Ngài được kể lại thế này. Nguyên Tứ Tổ Đạo Tín đi du hóa gặp Tài Tòng đạo giả, là một vị tăng chuyên trồng tùng trên núi. Tài Tòng đạo giả thưa với Tứ Tổ:
– Đối với Phật pháp, con có thể nghe và hành trì được không?
Tứ Tổ đáp:
– Ông tuổi đã già, dù có nghe, thâm đắc cũng không làm lợi ích được gì bao nhiêu.
Tài Tòng đạo giả thưa:
– Vậy ngài có thể đợi con được không?
Tứ Tổ nói:
– Ta sẽ cố gắng.
Nói xong Tài Tòng đạo giả xuống núi, gặp một cô gái đang ngồi giặt đồ dưới bờ
sông. Ngài hỏi cô gái:
– Có thể cho tôi ở trọ được không?
Cô trả lời:
– Tôi còn có cha mẹ ở nhà, thầy muốn gì thì đến thưa với cha mẹ tôi.
Ngài hỏi lại lần nữa:
– Riêng cô có bằng lòng không?
Cô trả lời:
– Riêng tôi thì tôi rất hoan hỷ, nhưng thầy hãy thưa với cha mẹ tôi.
Sau cuộc gặp gỡ ngắn ấy, cô gái có mang, bào thai lớn dần. Cô bị gia đình đánh đuổi ra khỏi nhà. Lang thang khổ sở, cuối cùng cô sinh được một bé trai xinh đẹp lạ thường. Khi sinh ra càng thương con cô càng khổ. Con không cha mà cô thì quả thực chưa từng gần gũi, quan hệ với người khác phái nào. Xấu hổ, cô đặt đứa bé trên chiếc bè đem thả xuống sông cho trôi đi đâu thì đi. Sáng ngày, cô thấy đứa bé ngồi xếp bằng ngay thẳng, gương mặt tươi tỉnh lạ thường, nên cô vừa lấy làm lạ vừa xót thương bồng về nuôi.
Đến bảy tuổi, đứa bé có một cốt cách rất đặc biệt, ngồi thì thẳng lưng, ăn thì không ăn những mùi tanh hôi, mắt nhìn thẳng. Duyên đến, Tứ Tổ nhận đem về chùa nuôi. Lớn lên ngài đắc đạo, được Tổ truyền tâm ấn, kế thừa Tổ vị. Ngài chính là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Nghĩa là mẹ ngài chịu tất cả những khổ nhục để nuôi dưỡng và sinh ra ngài. Thầy của ngài cũng nhẫn chịu sự già yếu, bệnh tật, chờ ngài lớn lên để truyền tâm pháp cho ngài.
Sử ghi lại sau khi Tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp cho Tổ Huệ Năng, ngài không thăng tòa nữa. Chúng hỏi tại sao Hòa thượng không thăng tòa nữa? Ngài nói pháp đã về phương nam. Bây giờ ngài trở lại am sống gần mẹ, lo lắng cho mẹ. Bổn phận đối với đạo đã xong, giờ trở về làm bổn phận hiếu đạo đối với mẹ. Trong hàng Tổ sư của chúng ta đã có các bậc như vậy.
Hiếu đạo có hai: Tinh thần và vật chất. Đối với người xuất gia thì đền đáp công ơn cha mẹ bằng cách lo về mặt tinh thần. Bởi vì chúng ta không có đầy đủ phương tiện để nuôi dưỡng cha mẹ, chỉ còn ráng tu, thực hành công phu cho được viên mãn. Thành đạo rồi thì hiếu đạo theo đó cũng được viên mãn. Như Tôn giả Mục Kiền Liên nếu không tu hành đắc đạo, không có thần thông thì làm sao biết mẹ ở trong cảnh ngạ quỷ khổ đau, mà tìm phương cứu thoát. Đức Phật bỏ tất cả hoàng thành, phụ vương, vợ con v.v… đi tu. Nếu không thành tựu đạo nghiệp thì làm sao trở về giáo hóa phụ thân và hoàng tộc đạt được đạo quả. Cho nên trước nhất là chúng ta phải tu hành chân chính, sau mới đem công đức và đạo lý để hướng dẫn, khuyến khích người thân tu hành. Như vậy mới gọi là chân thật báo hiếu. Trái lại nếu chúng ta không chịu nỗ lực tu tập thì khó có thể báo hiếu cho song thân.
Còn vị nào có đủ điều kiện thì lo thêm phần vật chất. Tùy theo phạm vi, hoàn cảnh cuộc sống của mình mà làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
Trong ngày lễ Vu Lan năm nay, bằng tất cả nhiệt tình, chúng tôi cố gắng trình bày ý nghĩa hiếu đạo trong nhà Phật. Như kinh đã dạy: Hiếu là trên trước, hiếu là tất cả, là mẹ của tất cả những công đức lành, mẹ của tất cả những phương pháp tu hành để thành Phật.
Như vậy, người con Phật thì đi theo con đường của Phật, chúng ta không thể bỏ quên hiếu đạo, cũng không nên hẹn lần hẹn lữa. Mà phải tùy theo phạm vi, khả năng, hoàn cảnh của mình siêng năng tu tập hiếu đạo. Được vậy mới hy vọng, dù cách Phật xa, nhưng đối với pháp Phật, chúng ta luôn luôn gần gũi hành trì và xứng đáng là đệ tử của Như Lai.
Theo HT Thích Nhất Quang